Nhìn lại 20 năm đổi mới

Tâm sự của “bà má” Công ty

Tâm sự của “bà má” Công ty

L.T.S: Thực chất bài viết dưới đây là một bài nhận định về kinh tế đất nước sau 20 năm đổi mới (tính từ năm 1986). Tuy nhiên - như tác giả thừa nhận - vì tiết trời đang vào xuân nên bài được thể hiện dưới dạng tạp bút nhưng dù là tạp bút song bài viết rất đáng suy nghĩ.

Tâm sự của “bà má” Công ty ảnh 1
Bà Tạ Thị Ngọc Thảo.

Tôi là “bà má” tên gọi là Công ty (không phải Công ty mẹ) và là “bà góa” gần 20 năm nay. Chồng tôi lúc còn sống, dù rất thương vợ, thương con nhưng ông nổi tiếng là quan liêu, bao biện và gia trưởng (cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp). Sau nhiều chục năm chung sống chúng tôi có với nhau 12.000 đứa con ruột (doanh nghiệp quốc doanh) và khoảng 20.000 đứa con nuôi (doanh nghiệp ngoài quốc doanh).

Con cái tuy đa số đã trưởng thành nhưng cuộc sống gia đình tôi vẫn cơ cực, làm quần quật quanh năm suốt tháng mà cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm; phải chạy ăn từng bữa, giật gấu vá vai sống lay lắt qua ngày. Chồng tôi đã quá lao lực, lao tâm mà kinh tế gia đình không khá nổi, sinh buồn bực rồi đổ bệnh; ông cưỡi hạc quy tiên năm 1986.

  • Cứ ngỡ xuân tàn hoa rụng hết

Trong hoàn cảnh này, mỗi loại con của chúng tôi diễn biến mỗi kiểu: nhiều đứa con ruột không còn chỗ để dựa dẫm, ỷ lại như trước xin được ra riêng tự kiếm sống; cũng có đứa yếu bóng vía vẫn ở lại, mong tôi che chở và có một số khác èo uột khó nuôi không vượt qua nổi giai đoạn khó khăn đã... qua đời theo ba nó. Thôi thì sống chết có phần. Con nuôi thì khác, cuộc sống quá chật vật, bức bách đã làm nhiều đứa mạnh dạn ra khỏi nhà tự kiếm sống. Trong cái rủi có cái may, tưởng gia đình sẽ bị tan tác, lụn bại vì chia đàn xẻ nghé trong lúc chộn rộn này ai dè sau một thời gian ra đời tự bươn chải các loại con nuôi của tôi lại cứng cáp, trưởng thành, ăn nên làm ra thấy rõ.

Nhiều bạn bè của các loại con thấy chúng tôi làm ăn khá giả muốn  tham gia làm con nuôi, tôi nhận luôn. Lại thêm hàng xóm, láng giềng ngó thấy sự xôm tụ của cả dòng họ, liền gửi con cái đến cùng góp vốn làm ăn chung, tôi chào đón. Bây giờ tôi có rất nhiều con, tính đến thời điểm cuối năm 2005 tôi có 2.700 con ruột (doanh nghiệp Nhà nước) chung sống với tôi, 205.000 con nuôi (doanh nghiệp đăng ký theo luật DN), 5.815 con của hàng xóm (doanh nghiệp nước ngoài) và khoảng gần 3 triệu bà con thân thuộc (hộ kinh doanh cá thể, trang trại, hợp tác xã,…).

  • Đêm qua sân trước một nhành mai

Nhân ngày năm hết, Tết đến, tôi họp mặt đại gia đình Công ty để tổng kết cuối năm, ghi nhận, đánh giá công lao của từng loại con vào tổng sản lượng (GDP) năm 2005. Con ruột báo rằng đã đóng góp 39% và tạo ra 10% việc làm cho số con cháu tăng lên hàng năm. Con nuôi cho biết đạt 45,5% và góp phần phụ nuôi 88,5% bà con dòng họ.

Con hàng xóm thì khiêm tốn hơn, chiếm 15,5% và sử dụng 1,5% lao động. Đi sâu vào phân tích các con số này, tôi phát hiện tuy cùng ra đời bươn chải nhưng các loại con của tôi mỗi đứa một phách, rất khác nhau: con ruột thì sử dụng rất nhiều tiền của tôi để làm vốn nhưng hiệu quả thu được chưa cao (nhiều đứa còn làm mất cả vốn).

Con nuôi lại khác, chỉ cần tôi cho phép là tụi nó tự kiếm vốn làm ăn và cũng vì tự bỏ vốn nên tụi nó sử dụng rất hiệu quả; nếu lỡ xui xẻo mất vốn là cam chịu không mè nheo một tiếng. Con hàng xóm thì do cha mẹ đã giàu có sẵn, tụi nó lại nhiều kinh nghiệm, giỏi giang nên trong làm ăn thường thắng chứ  ít thua. Trong hội nghị tổng kết, các con tôi rất thỏa mãn với những gì đạt được, thường cho rằng đại gia đình Công ty của chúng tôi đông đúc, sung túc hơn hẳn vài mươi năm trước.

Tôi nói với các con của tôi rằng: bỏ đi thói quen so sánh mình với chính mình trước đó vì không hợp thời và hợp lý nữa, hãy so đo với những hàng xóm chung quanh, nhất là những nhà “núi liền núi, sông liền sông” như nhà của ông Trung Quốc chẳng hạn. Khoảng hơn 20 năm trước, hai nhà (Việt Nam – Trung Quốc) hoàn cảnh xêm xêm nhau, 250 USD/người (GDP), nay nhà ông Trung Quốc đã 1.300 USD/người và nếu nhân với số dân 1 tỷ 3 của họ sẽ lên đến con số… chóng mặt.

Trong khi đó, đến cuối năm 2005, thu nhập bình quân từng người của nhà ta chỉ có 640 USD/người, nhân 82 triệu nhân khẩu, con số đạt được sẽ không lớn lắm. Cũng có thể, so sánh với  đại gia Trung Quốc là khập khiễng nhưng bằng vai phải lứa như nhà bà Thái Lan bên cạnh chỉ để bằng họ hiện nay, 2.400 USD/người, thì với tốc độ tăng trưởng như bây giờ, dòng họ của mình phải mất một khoản thời gian… 20 năm!. Tôi còn nói thêm với các con của tôi: “Đừng bằng lòng với chỉ số tăng trưởng hơn 7% GDP đạt được hằng năm vì khi thu nhập bình quân thấp thì mức tăng trưởng thường nhanh, không có gì lạ; hơn nữa, đồng cảnh như nhà ta, các nhà khác bứt phá nhanh hơn nhiều!”.

 Các con nghe tôi phân tích dường như hiểu ra, nhất là những đứa con ruột. Chúng đã ý thức được vai trò đàn anh, đàn chị của mình nên hứa sẽ làm ăn hiệu quả hơn. Con tôi còn nói rằng qua năm mới sẽ đẩy nhanh việc ra riêng, chỉ những vị trí then chốt cần”nối dõi tông đường” mới ở lại làm trụ cột. Con nuôi thì hứa hẹn sắp tới sẽ phát triển nhanh, lớn mạnh và bền vững hơn nữa; trong làm ăn thì liên kết lại với nhau vì “người ta chỉ bẻ đũa từng chiếc, không ai bẻ đũa từng bó cả”. 

Con hàng xóm thường thì rất ít nói nhưng hôm nay “cóc” lại mở miệng: “Thật ra, có vốn thì đến nhà nào (các nước bạn) làm ăn mà không được nhưng ở nhà của má và sống trong đại gia đình Công ty của mình lại thấy chân tình và ấm áp hơn. Mong má thương các con bằng nhau, đừng ưu tiên đứa này, đứa kia làm tụi con buồn. Đi xa nhà nên tụi con rất cần sự chia sẻ, đùm bọc của má và các anh chị em...”.

 Nghe các con nói vậy, tôi thương đứt ruột liền đáp lại rất chân tình: “Thiệt lòng má thương yêu đùm bọc, che chở, các loại con như  nhau và tất cả đều do má dứt ruột đẻ ra. Nếu trong biểu hiện hoặc hành xử đôi lúc, đôi khi đã làm các con buồn và người ngoài hiểu lầm, má sẽ nghiêm túc xem lại mình…”. Tôi chưa dứt lời thì ngoài ngõ xôn xao, trong nhà náo nhiệt, thì ra gần 3 triệu bà con xa gần của đại gia đình Công ty đã kéo về đông đủ. Lý do chậm trễ là do phải cung ứng hàng hóa kịp thời cho 82 triệu người trong dòng họ ăn tết Bính Tuất, một lý do thật chính đáng, cần biểu dương, vì “Lo cho mọi người vui trước, mình vui sau” là tiêu chí của đại gia đình Công ty chúng tôi.

TẠ THỊ NGỌC THẢO

Tin cùng chuyên mục