Tâm sự những người làm phim về di chúc của Bác: Hình ảnh Bác sâu đậm trong tim

Tối nay (30-8) trên kênh VTV1 ngay sau chương trình thời sự, tập đầu tiên trong 6 tập (phát sóng liên tục từ 30-8 đến 4-9) của bộ phim tài liệu “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” dài 25 tập sẽ ra mắt khán giả. Công trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT-DL, Cục Điện ảnh chủ trì, giao cho Hãng phim truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh TPHCM thực hiện nhân cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ với một số nghệ sĩ trực tiếp thực hiện bộ phim…
Tâm sự những người làm phim về di chúc của Bác: Hình ảnh Bác sâu đậm trong tim

Tối nay (30-8) trên kênh VTV1 ngay sau chương trình thời sự, tập đầu tiên trong 6 tập (phát sóng liên tục từ 30-8 đến 4-9) của bộ phim tài liệu “40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” dài 25 tập sẽ ra mắt khán giả. Công trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT-DL, Cục Điện ảnh chủ trì, giao cho Hãng phim truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh TPHCM thực hiện nhân cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc gặp gỡ với một số nghệ sĩ trực tiếp thực hiện bộ phim…

  • Biên kịch, đạo diễn Dương Cẩm Thúy

Tập phim của tôi sẽ phát sóng vào đúng ngày 2-9, mang tên “Bác Hồ trong trái tim Miền Nam”. Tới giờ tôi vẫn không quên được cái cảm giác hồi hộp khi ngồi đợi các chú, các bác trong Ban Tuyên Giáo Trung Ương duyệt phim và cũng không ngờ mình lại hạnh phúc, sung sướng như thế khi được khen phim làm tốt.

Bộ phim khiến tôi cảm thấy bị áp lực. Làm phim về Bác mang một ý nghĩa hết sức lớn lao đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi… Điều mà tôi muốn nói khi thực hiện tập phim này đó là những tư liệu sống ngồn ngộn, những con người, những vùng đất khiến tôi muốn ôm hết vào phim, những thứ mà tôi phải đắn đo rất nhiều để quyết định cắt bỏ hay giữ lại vì quá dài. Nhiều khi đó chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng rất xúc động như mầm cây vươn lên từ những hố chôn tập thể những chiến sĩ của ta trong vụ thảm sát ở Phú Quốc. 4-5 hố chôn này mới chỉ tìm thấy vào cuối năm 2008 còn tươi nguyên màu đất. Hay 2 loài hoa mà tôi cố tình đưa vào phim vì nó làm tôi liên tưởng đến hình ảnh Bác đó là hoa Sen và hoa phượng vĩ. Một loài hoa thanh tao, cao quý, một loài hoa nở vào tháng mà Bác sinh ra…

Điều tôi hài lòng đó là trong chuyến làm phim này chúng tôi đã đưa được những cựu tù chính trị về thăm lại nhà tù Phú Quốc, chính tại nơi đó các cô, các bác đã có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa… 

Ý tưởng tập phim này xuất phát từ câu nói của Bác: “Miền Nam ở trong trái tim tôi”, và tôi, một người con Miền Nam dù chưa một lần gặp Bác nhưng cũng như bất cứ người dân Miền Nam nào luôn ghi nhớ hình ảnh của Bác trong trái tim mình.

Đoàn làm phim "40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ" của đạo diễn Lê Văn Duy (đứng thứ ba từ trái sang) tại Khe Sanh.

Đoàn làm phim "40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ" của đạo diễn Lê Văn Duy (đứng thứ ba từ trái sang) tại Khe Sanh.

  • Biên kịch, Đạo diễn Lê Văn Duy

Tập phim của tôi là “Đánh cho Mỹ cút” là tập thứ 3, phát sóng vào ngày 1-9. Tôi còn viết kịch bản cho tập 6 là “Bắc Nam xum họp”.

Tuổi thơ của tôi hát những khúc hát về Bác, cảm nhận hình ảnh Bác, một vị lãnh tụ vĩ đại. Tình cảm đối với Bác lớn lên cùng năm tháng. Có thể nói được làm phim về Bác là niềm vinh dự của người nghệ sĩ.

Tập phim “Đánh cho Mỹ cút” nói về những trận đánh thực hiện di chúc của Bác, thực hiện lời hứa giải phóng đất nước để rước Bác vào thăm. Lần đầu tiên sau 30 năm tôi mới có dịp quay lại con đường bộ từ Bắc vào Nam khi làm tập phim này. Suốt dọc đường, có dịp nhìn lại đất nước, tôi thực sự cảm được cái lớn lao, hùng vĩ và rõ ràng là đó là một màu hồng, một sự thay da đổi thịt. Những con đường lịch sử, những nhân chứng lịch sử. Đó là những anh hùng, những nghệ sĩ và cả những người dân tộc bình thường… đang nói về cảm xúc của một thời kỳ.

Cảm động nhất là đoàn đã quay được những hình ảnh ở nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị đúng vào ngày 27-7. Không hề sắp xếp nhưng chúng tôi đã có được hình ảnh của hàng trăm người tới viếng nghĩa trang. Cảm nhận được sự hòa nhập của những linh hồn vào đất thành cổ và sông Thạch Hãn. Chúng tôi làm phim về Bác, làm phim về những con người thực hiện di chúc Bác bằng tất cả trái tim. Tôi tin người xem sẽ cảm nhận được những điều được làm từ trái tim thì sẽ không còn sự khô khan.

  • Đạo diễn Vương Đức

Trong 25 tập phim, tôi nhận thực hiện tập 2 “Miền Bắc hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” (sẽ phát sóng vào ngày 31-8) và  tập 16 “Phong trào cộng sản thế giới”.

Hai tập này một tập trong nước, một tập quốc tế đều là những tập khó làm với quy mô và tư liệu rộng. Có lẽ để tạo được xúc cảm thì tinh thần xuyên suốt tập phim đó là cảm xúc của chính cá nhân mình. Tôi chọn hình thức chuyển tải những thông điệp chính trị khô khan bằng cách đan xen những ca khúc sáng tác thời kỳ đó. Những ai đã từng sống qua giai đoạn này hẳn không thể nào quên được những giai điệu hào hùng, bi tráng ấy. Còn với giới trẻ bây giờ thì đây chính là những hình ảnh để các em có thể hình dung ra một giai đoạn lịch sử của cả dân tộc VN.

Điểm mạnh mà tôi xây dựng trong tập phim chính là những tư liệu hình ảnh được chọn lựa, đó là con đường tình cảm, một con đường dễ nhất để truyền đi thông điệp của bộ phim. Quá trình làm phim có rất nhiều kỷ niệm khiến chúng tôi xúc động, có những điều mà cá nhân tôi cảm thấy đây là sự phát hiện, ví dụ như cho đến tận hôm nay nước Mỹ vẫn còn bàng hoàng vì thua cuộc ở chiến trường VN. Thông qua những phát biểu của những cựu chiến binh Mỹ, ca sĩ, chính khách, Việt kiều từng đứng trong hàng ngũ kẻ thù… chúng ta có thể thấy hết sự khốc liệt của chiến tranh…

  • Quay phim Lý Thái Dũng

Tôi còn nhớ cái ngày cách đây 40 năm khi ấy tôi mới 5 tuổi và không hiểu tại sao người lớn lại gắn những chiếc băng tang đỏ và đen cho trẻ em, tất cả mọi người ai cũng đeo tang. Đó là ngày Bác mất…

Sau 40 năm, giờ đây khi được giao cầm máy ghi lại những hình ảnh liên quan đến Người và có dịp tiếp cận chính những dòng chữ trong bản di chúc của Bác, những dòng chữ được sửa chữa, những dòng chữ dặn dò Đảng phải chăm lo đời sống cho nhân dân, miễn thuế cho nông dân…, nó lại khiến tôi bồi hồi khi nhớ về cái ngày mà cả đất nước để tang Bác, cảm nhận điều đó thật sâu sắc.

Khán giả sẽ thấy gì qua bộ phim này? Đó là những tấm ảnh chưa từng được công bố, đó là những con người ở những phương trời xa lạ nói về Bác, đó khu bếp của một khách sạn tại Mỹ mà Bác từng làm bánh. Thậm chí, những người đầu bếp ở chính căn bếp đó cũng làm những chiếc bánh tại cái bàn đó để tặng cho chúng tôi. Làm việc hăng say quên cả ăn, đến khi đói bụng cả đoàn ăn những chiếc bánh và cảm thấy rất ngon, mọi người nói đùa “bánh của Bác”.

Hay chuyện 2 cặp vợ chồng phóng viên nhiếp ảnh ở ngoại ô Boston có tấm lòng yêu mến đất nước Việt Nam tha thiết, tình yêu của họ nảy sinh từ tình yêu mà cha mẹ họ dành cho Bác Hồ… Hay chuyện cả đoàn phim đã tìm đến nhà người ca sĩ nổi tiếng Chile Victore Hara, người chưa từng gặp Bác Hồ nhưng đã sáng tác ca khúc “Viva Hồ Chí Minh’. Năm 1969, người thanh niên ấy đã đặt hình ảnh Bác vào tim mình và hô vang tên Bác cho đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của chế độ độc tài Pinochet... Vợ của Victore Hara đã dẫn đoàn phim tới bảo tàng của ông, đến góc phố nơi có những viên đá ghép hình Bác Hồ, cờ Việt Nam và cờ Chile… Và còn rất nhiều điều khác nữa mà khán giả có thể thấy qua những thước phim mà chúng tôi quay được. Với cương vị một nhà quay phim, tôi cảm thấy rất thú vị và xúc động khi chứng kiến những điều này.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục