Tạm trữ lúa gạo: Nông dân vẫn chịu lép

Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hoàn thành đúng chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo mà Chính phủ giao. Nhìn tổng thể VFA đã hoàn thành tốt việc thu mua tạm trữ. Đã xuất hiện những cách làm hay, hiệu quả, song nhiều vấn đề gút mắc lâu nay vẫn chưa được giải quyết.
Tạm trữ lúa gạo: Nông dân vẫn chịu lép

Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hoàn thành đúng chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo mà Chính phủ giao. Nhìn tổng thể VFA đã hoàn thành tốt việc thu mua tạm trữ. Đã xuất hiện những cách làm hay, hiệu quả, song nhiều vấn đề gút mắc lâu nay vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều nông dân phải treo lúa ngoài đồng chờ bán

Hiệu quả hơn 10 lần lãi suất hỗ trợ!

“Trong bối cảnh xuất khẩu gạo khó khăn, nếu các doanh nghiệp không thu mua giá lúa sẽ giảm. Điều đáng mừng, sau khi thu mua tạm trữ giá lúa duy trì ở mức ổn định cả khu vực ĐBSCL” - ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định. Với sản lượng gần 11 triệu tấn trong vụ đông xuân, trong đó khoảng 9 triệu tấn lúa hàng hóa nên áp lực tiêu thụ và giữ giá lúa là rất lớn.

Theo VFA, đến đầu tháng 4-2015, cả nước chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo, giảm 20% so cùng kỳ năm ngoái. Áp lực tìm đầu ra càng đè nặng lên doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều nước trên thế giới, nhất là Thái Lan đang “xả hàng” kho gạo dự trữ.

 

* Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, tại Cần Thơ, nhiều nông dân có đất sản xuất lúa 7-10 ha/hộ đã bắt đầu trữ lúa để chờ giá thích hợp bán. Chuyện người dân trữ 200 - 500 tấn lúa là bình thường. Ở vài vùng sản xuất lớn, đã xuất hiện một số nông dân vay tiền mua tạm trữ lúa gạo, góp phần vào điều tiết thị trường lúa gạo trong lúc thu hoạch rộ.

 

“Đây là năm thứ sáu VFA triển khai thu mua tạm trữ và xuất hiện nhiều cái mới. Trong đó, nổi lên là Bộ NN-PTNT đã “thúc” chủ trương, đề xuất sớm với Chính phủ và Chính phủ đồng ý chủ trương trước Tết Nguyên đán. Đây cũng là năm đầu tiên ban hành quy chế giám sát thu mua. Việc thu mua tạm trữ được bàn công khai, tạo sự đồng thuận lớn trong lãnh đạo các địa phương” - ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành VFA nhận định. Nhìn chung phía ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để thu mua lúa gạo tạm trữ. Một số doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi vay đã được VFA hỗ trợ nguồn vốn.

Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra định kỳ đã giúp VFA điều chỉnh khoảng 60.000 tấn gạo trong chỉ tiêu giao từ doanh nghiệp mua chậm sang doanh nghiệp mua đúng tiến độ.

Hiệu quả của chủ trương tạm trữ lâu nay luôn được dư luận quan tâm. Vấn đề mà dư luận đặt ra là ai sẽ hưởng lợi, nông dân hay doanh nghiệp? Tất nhiên, trước mắt là doanh nghiệp thu mua được hưởng lợi từ nguồn lãi suất chính phủ hỗ trợ vốn vay trong 4 tháng. Vậy còn nông dân lợi gì? Đây là câu hỏi không đơn thuần tìm được lời giải đáp.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Theo phân tích của một lãnh đạo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay trong 4 tháng khoảng 200 tỷ đồng. Nếu chỉ tính việc tác động thu mua tạm trữ làm giá lúa tăng 200 đồng/kg, trên sản lượng 11 triệu tấn, thì nông dân được lợi khoảng 2.200 tỷ đồng, cao gấp 11 lần nguồn hỗ trợ lãi suất vay. Nếu được như thế, thì đây là tác động tích cực cần phải xem xét thấu đáo để phát huy hiệu quả.

Những gút mắc cần tháo gỡ

“Lúa hàng hóa ứ đọng trong lúc nông dân thu hoạch rộ. Nhiều nơi nông dân phải để lúa ngoài đồng cả tuần. Mùa nắng nóng, lúa bốc hơi khô ráo, giảm trọng lượng nhưng doanh nghiệp lại đến mua với giá lúa tươi”, lãnh đạo của một huyện ở Cần Thơ bức xúc nói. Thực trạng này đã diễn ra trên địa bàn nhiều năm qua nhưng đến nay chưa được khắc phục. Trước đó, một số doanh nghiệp không thu mua lúa thơm của nông dân với lý do nông dân trồng lúa thơm chưa đạt chuẩn, dẫn đến tranh cãi gay gắt.

Qua đợt thu mua tạm trữ này cho thấy, một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thu mua với nông dân, nhưng thiếu phương tiện thu mua, nông dân phải “treo lúa” ngoài đồng, gây thiệt hại không nhỏ. Nhiều địa phương phải huy động ghe chở lúa đến bán cho doanh nghiệp để giải nguy! Đây là một thực trạng yếu kém tồn tại trong hàng chục năm qua đến nay vẫn chưa khắc phục được. 

Nông dân trữ lúa chờ giá.

Hiện nay đại bộ phận các doanh nghiệp vẫn thu mua gạo thông qua thương lái thay vì thu mua lúa trực tiếp từ nông dân để tạm trữ. Đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa hình thành được các cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như hệ thống sấy, kho chứa, phương tiện thu mua… nên hầu hết lệ thuộc vào thương lái.

Chính vì vậy, nhiều người đề xuất trong gói thu mua tạm trữ, nhà nước nên có quy định dần về tỷ lệ doanh nghiệp phải thu mua lúa trực tiếp từ nông dân, để nông dân hưởng lợi nhiều hơn. Cụ thể là mua lúa trực tiếp từ nguồn lúa ở các mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn đang phát triển ở ĐBSCL. Do đó, con số khoảng “2.200 tỷ đồng” từ việc thu mua tạm trữ khi giá lúa tăng khoảng 200 đồng/kg chưa trọn ý nghĩa.

Nét mới đáng chú ý vừa qua là đã xuất hiện HTX Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thu mua tạm trữ lúa gạo. HTX này được giao mua tạm trữ 2.000 tấn quy gạo. Ước tính sơ bộ, lợi nhuận tăng thêm từ việc mua tạm trữ của HTX khoảng 200 triệu đồng. HTX này có hệ thống sấy, kho chứa… khá bài bản và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Sự xuất hiện của HTX Tân Cường là điểm sáng, mang lại hiệu quả từ việc thu mua tạm trữ lúa gạo.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục