Tân cử nhân, kỹ sư lận đận hành trình tìm việc

Tân cử nhân, kỹ sư lận đận hành trình tìm việc

Trong cuộc đua tìm “bến đỗ” nghề nghiệp, sinh viên nào biết đầu tư, chuẩn bị hành trang khởi nghiệp bài bản - giàu kiến thức chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có nhiều kỹ năng “mềm” khác - thì sẽ nắm bắt được cơ hội việc làm sớm nhất…

Cơ hội nhiều, nắm bắt được ít

Tân cử nhân, kỹ sư lận đận hành trình tìm việc ảnh 1

Sinh viên tốt nghiệp tìm hiểu thông tin tuyển dụng từ các nhà tuyển dụng hàng đầu

Sau 1 năm vất vả tìm việc làm nhưng chưa kiếm được việc phù hợp với ngành học, Nguyễn Hoàng quê ở miền Trung, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM bộc bạch: “Suốt 4 năm theo học ĐH tốn bao nhiêu tiền của cha mẹ nhưng muốn tìm được việc làm có thu nhập đủ sống ở TPHCM không dễ”.

Ra trường đã 2 năm nay, hiện đang làm thư ký cho một công ty giày da ở thành phố nhưng Hạnh Chi muốn thay đổi công việc vì mức lương thấp, công việc chưa đúng với chuyên môn đã học. Từ thực tế làm việc, Chi thừa nhận giữa học và làm khác nhau quá xa. Giá như ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường, sinh viên được trang bị kỹ năng thực hành lẫn ngoại ngữ thì khi ra trường sẽ hội nhập với thị trường lao động tốt hơn, bước vào con đường khởi nghiệp vững vàng hơn.

Trong ngày hội hướng nghiệp cho sinh viên tại Nhà thi đấu Nguyễn Du mới đây, nhiều sinh viên sắp ra trường cảm thấy chưa thật tự tin bước vào con đường khởi nghiệp vì “hành trang” xin việc của mình còn “nhẹ”. Nhiều bạn trẻ ngước nhìn bảng tuyển dụng ngồn ngộn thông tin cần người nhưng đành ngậm ngùi: “Muốn tìm được việc làm tốt, thu nhập cao phải đáp ứng tiêu chí tuyển dụng khắt khe của  các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước như có kiến thức chuyên ngành sâu, có kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ, năng động, biết xử lý nhanh mọi tình huống, biếât làm việc theo đội nhóm…”.

Theo khảo sát của các đơn vị giới thiệu việc làm, tỷ lệ sinh viên ngành khoa học xã hội tìm được việc làm phù hợp thấp. Các ngành học dễ kiếm việc làm gồm: dịch vụ, tài chính, kinh tế (kinh doanh, tiếp thị, thương mại, kế toán, quản lý lao động-nhân sự), thư ký hành chính; các ngành kỹ thuật như điện, điện tử, công nghệ thông tin…

Mùa này là mùa sinh viên tốt nghiệp  ra trường, ước tính cả nước có khoảng 2 triệu tân cử nhân, kỹ sư rời khỏi ghế giảng đường, khăn gói đi tìm việc làm. Khảo sát của Viện Nghiên cứu thanh niên cho thấy ước muốn tìm được việc làm có thu nhập ổn định là mong mỏi của hầu hết sinh viên sau 4-5 mài dùi kinh sử ở trường đại học. Thế nhưng, cái giá mà họ phải trả để tìm được việc làm đủ trang trải cuộc sống không dễ. Một bộ phận tân cử nhân chỉ vì định hướng nghề nghiệp, chọn ngành học sai cũng không cảm thấy hứng thú với công việc tìm được. Số này luôn có tư tưởng dao động và sẵn sàng nhảy việc đến chỗ mới.

Làm mới và “nặng” hành trang xin việc

Tuy nhu cầu tuyển dụng lao động chất xám, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ngày càng gia tăng ở VN nhưng vì sao sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp và lận đận với quá trình khởi nghiệp?

Theo các nhà tuyển dụng hàng đầu, điểm yếu chung của sinh viên VN là thừa kiến thức lý thuyết, thiếu kiến thức chuyên sâu, thiếu kỹ năng thực hành, xử lý công việc và vốn liếng ngoại ngữ không đủ để giao tiếp thông thường.  Ngay cả những sinh viên có học lực khá giỏi cũng không dễ nắm bắt được cơ hội việc làm tốt.

Con số ít ỏi sinh viên sáng giá được lọt vào các chương trình “quản trị viên tập sự”, “săn” quản lý, tài năng trẻ của các công ty đa quốc gia, nhà tuyển dụng hàng đầu VN tổ chức trong thời gian vừa qua là một minh chứng.

Ông Nguyễn Lương Hiệp, Giám đốc truyền thông Công ty Vipdatabase cho biết: “Để có nguồn nhân lực cao cấp giới thiệu cho những công ty đa quốc gia cần tuyển quản trị viên tập sự, công ty đã khởi động chương trình Hội tụ tài năng Việt trong suốt 3 tháng. Thế nhưng, qua sàng lọc từ 1.200 sinh viên có học lực khá - giỏi năm cuối ở các trường đại học, công ty chỉ chọn được 50 ứng viên sáng giá nhất vào vòng cuối. Số này đều thể hiện năng lực học vấn tốt, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ khá chuẩn, có kỹ năng mềm cần thiết…”.

Thực tế cho thấy, do chuẩn bị hành trang khởi nghiệp, tìm việc làm chưa kỹ - không đáp ứng được đòi hỏi cao của các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thời hội nhập - nên con số tân cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp  hoặc làm việc trái nghề khá cao. Đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn lực trí thức trẻ của VN và lỗ hổng cách biệt trong đào tạo - sử dụng ngày một lớn hiện nay.

Đi du học ở Anh về, hiện đang làm việc cho một Quỹ tài chính quốc tế ở TPHCM, Hoàng Vũ đưa ra nhận định:  Cùng tốt nghiệp đại học trong nước và ngoài nước, sinh viên Việt Nam (VN) lĩnh hội kiến thức bằng nhau nhưng hành trang kiến thức chuyên sâu, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp nghiêng về du học sinh.

Điểm nổi trội của du học sinh được đào tạo ở những trường đại học có thương hiệu trên thế giới là biết làm việc theo đội nhóm, có tư duy độc lập, sáng tạo trong công việc và khả năng chịu đựng áp lực, cường độ lao động cao hơn sinh viên học tại VN.

“Đó  là chưa kể du học sinh khi chọn bến đáp nghề nghiệp thường gắn bó hơn sinh viên VN mới ra trường. Họ luôn hướng tương lai nghề nghiệp vào sự ổn định cũng như thăng tiến nghề nghiệp bằng sự nỗ lực, phấn đấu cao nhất, làm hài lòng nhà tuyển dụng. Còn sinh viên, lao động trẻ VN thường mắc sai lầm khi “đứng núi này trông núi nọ” và nhảy việc quá nhiều lần trong một thời gian ngắn . Nhìn vào lý lịch tìm việc của các bạn trẻ có từ 4 đến 5 lần nhảy việc trở lên, thử hỏi nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nào dám nhận họ vào làm việc…”, Vũ tâm sự.
 
Phải chăng đây là lời khuyên hữu ích cho lao động tri thức trẻ ở VN đang bắt đầu hành trình khởi nghiệp?.

Bà Châu Thị Bé, Phó Tổng Giám đốc Vipdatabase cho rằng điểm yếu chung của lao động trẻ, sinh viên là chưa biết xác định rõ mình là ai, có thế mạnh gì, điểm yếu gì. Nếu không “định vị” được bản thân thì các bạn dễ chạy theo “nghề phong trào, thời thượng” và sẽ chuốc lấy thất bại. 

THIÊN TRANG

Tin cùng chuyên mục