(SGGPO). – Sáng nay, 13-11, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, tân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về trọng trách mới của mình.
* Phóng viên: Chúc mừng ông đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng. Ông có thể chia sẻ về chương trình hành động trên cương vị mới?
* Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cảm ơn các bạn. Đây là trách nhiệm rất mới, là vinh dự của tôi vì được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tin cậy giao cho chức vụ này để giúp Thủ tướng trong việc theo dõi chỉ đạo công tác đối ngoại cũng như hợp tác quốc tế của Việt Nam. Công việc đối ngoại là triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI, tích cực phát triển, xây dựng các khuôn khổ quan hệ của Việt Nam với các nước, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, hiệu quả, đóng góp vào sự ổn định, hòa bình để phát triển kinh tế; đưa vai trò, vị thế của chúng ta tăng lên trên trường quốc tế cũng như đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội của chúng ta.
* Ông xác định làm việc ở cương vị một Phó Thủ tướng sẽ khác gì với cương vị một Bộ trưởng?
* Bộ trưởng Ngoại giao cũng như các thành viên của Chính phủ là người lãnh đạo một lĩnh vực, bộ ngành. Còn với cương vị Phó Thủ tướng của tôi là giúp Thủ tướng theo dõi và chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Như thế công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế không chỉ của bộ ngoại giao mà là công tác của nhà nước, Chính phủ, trên bình diện cả các bộ, ngành, địa phương vì chúng ta đã hội nhập toàn diện, chủ động chứ không chỉ trong một đơn vị, lĩnh vực.
* Năm nay, Việt Nam có dấu ấn rõ rệt trong lĩnh vực ngoại giao. Những năm tiếp theo chiến lược phát triển xây dựng quan hệ ngoại giao, nhất là với các nước trong ASEAN?
* Đến năm 2013 đã xây dựng được 4 đối tác chiến lược và có thể nói, với tất cả các nước lớn trên thế giới chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Điều đó thể hiện vai trò vị thế của Việt Nam và chính sách của chúng ta là làm bạn với tất cả các nước đang được triển khai một cách có hiệu quả. Thời gian tới chúng ta tiếp tục xây dựng khuôn khổ quan hệ của chúng ta với các nước quan trọng, các nước có vị thế trên thế giới. Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta đã xây dựng được quan hệ với các nước trong cộng đồng ASEAN, đồng thời có quan hệ đặc biệt với Lào, xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia, quan hệ đối tác chiến lược với Singapore, Malaysia và Thái Lan. Có thể nói Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có xây dựng đối tác chiến lược với các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN. Còn với các nước trên thế giới, hiện chúng ta cũng đang xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với không chỉ các nước lớn mà cả những nước có vai trò quan trọng ở các khu vực khác như các nước ở châu Mỹ, châu Phi và các châu lục khác.
* Hiện Việt Nam có 2 mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đó là Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng có thể nói về 2 mối quan hệ đặc biệt này?
* Với Liên bang Nga, Tổng thống V.Putin thăm Việt Nam lần này là chuyến thăm cấp cao đáng chú ý trong bối cảnh hai nước đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012. Trong chuyến thăm này của Tổng thống V.Putin, hai nước ký kết nhiều hiệp định nhằm tăng cường quan hệ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quốc phòng.
Với Trung Quốc, chúng ta cũng có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, hai bên đã thảo luận giải quyết những vấn đề khác biệt liên quan đến biển Đông. Trong đó thúc đẩy thực hiện thỏa thuận các nguyên tắc về giải quyết trên biển, có nghĩa là phải giải quyết thông qua hòa bình, thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Trong đó, các bước sắp tới là phải làm sao phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ, để tiến đến hợp tác trên biển.
* Vấn đề cùng hợp tác phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện như thế nào?
* Hiện nay Việt Nam-Trung Quốc đã phân định vùng biển trong cửa Vịnh Bắc bộ. Sau khi phân định xong thì hai bên cũng đã thỏa thuận với nhau là có những hợp tác ở những vùng chồng lấn, tức là ranh giới vắt ngang qua đường phân định để cùng nhau hợp tác phát triển. Giai đoạn hiện nay là 2 bên đang thỏa thuận với nhau để phân định ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, đồng thời cũng sẽ xem xét lại khả năng hợp tác ở những vùng có thể hợp tác được ở ngoài cửa Vịnh Bắc bộ.
Thỏa thuận các nguyên tắc về giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011 trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc có 4 nguyên tắc, trong đó nói 2 bên tiến hành tiệm tiến dần dần đi đến thỏa thuận để phân định các vấn đề trên biển, từng bước xem xét để cùng hợp tác phát triển trên biển. Thực hiện nguyên tắc giải quyết từng bước vấn đề ở trên biển giữa 2 bên, đó là từng bước phân định và đồng thời hợp tác ở những khu vực nào có thể hợp tác được. Nguyên tắc của chúng ta là Việt Nam có chủ quyền trên vùng biển Việt Nam, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước luật pháp Quốc tế. Việt Nam chỉ hợp tác ở những vùng ngoài 200 hải lý.
* Trong bối cảnh Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Ở trọng trách mới, ông xác định vấn đề này thế nào?
* Chủ quyền luôn là một vấn đề thiêng liêng của đất nước. Chủ quyền là một trong những mục tiêu của công tác đối ngoại của chúng ta, ngoại giao đóng góp vào vấn đề bảo vệ chủ quyền, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới, để đảm bảo việc chủ quyền được trọn vẹn.
Trên biển Đông thì chúng ta có chủ quyền và quyền chủ quyền với thềm lục địa. Nhiệm vụ của ngoại giao là làm sao để duy trì được môi trường ổn định ở biển Đông. Hiện nay, ở khu vực biển Đông, chúng ta đang cùng các nước ASEAN để thực hiện các tuyên bố DOC và cùng Trung Quốc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC. Điều đó là để duy trì sự ổn định ở Biển Đông cũng như bảo vệ quyền chủ quyền của chúng ta với thềm lục địa.
* Hiện nay Việt Nam đang đàm phán với EU và một số nước khác những hiệp định thương mại lớn. Vậy theo ông, những đàm phán đó gắn kết thế nào với những cải cách thiết thực trong nước?
* Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006, đó là sân chơi chung cho nhiều nước. Chúng ta cũng đang đàm đàm phán hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán thương mại với Hàn Quốc...Tổng cộng hiện nay Việt Nam đang tiến hành cùng lúc đàm phán 6 Hiệp định thương mại. Điều đó thể hiện cam kết chính trị của chúng ta, là mở cửa, thúc đẩy cho hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước.
Như vậy, đàm phán các hiệp định thương mại vừa đáp ứng mục tiêu phát triển của các nước, vừa phục vụ cho việc mở rộng thương mại của Việt Nam với các nước, nhưng đồng thời cũng là điều kiện cho Việt Nam có quyết tâm trong tái cơ cấu nền kinh tế để có thể cạnh tranh được. Đó là những bước chúng ta đang làm. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta tham gia vào Hiệp định thương mại TTP là điều mà nhiều nước họ thấy rằng khó khăn. Nhưng Việt Nam chúng ta thể hiện quyết tâm đó.
* Liên quan đến hiệp định TTP, ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng đó là cách Mỹ sử dụng để cân bằng kinh tế với Trung Quốc trong khu vực?
* TTP lúc đầu không phải do Mỹ đưa ra. Nó là của Singapore, Bruney, Chile đưa ra, đó là ý tưởng để tạo một khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn. Chúng ta hiểu rằng hiện nay các thành viên tham gia vào TTP là những nước chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Một thị trường rất rộng lớn. Vấn đề trước tiên của TTP là bảo đảm thương mại tự do, mà Việt Nam thì có những lĩnh vực có lợi thế để tham gia, tất nhiên, có rất nhiều thách thức. Mặt khác, đây là khu vực rất năng động về kinh tế nhưng cũng là khu vực quan trọng về an ninh chính trị. Các nước tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế thương mại cũng là để bảo đảm cho mục tiêu là duy trì ổn định hòa bình. TTP có cả 2 ý nghĩa đó.
Dĩ nhiên, TTP là một trong những chiến lược của Mỹ, đó là gắn kết sâu hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực kinh tế rất năng động, là tương lai trong thế kỷ này.
PHAN THẢO
>> Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 phó thủ tướng mới