(SGGPO).- Chiều 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.
Về nội dung cụ thể của dự Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với các nội dung thể hiện trong 5 nguyên tắc cơ bản trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật song đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung thêm một số nguyên tắc như: “Bảo đảm hiệu quả, an toàn sức khỏe cho người, hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ gìn cân bằng hệ sinh thái”; “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách”; “Ưu tiên các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp (IPM)”, “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” (VietGAP); “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật”.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Đáng lưu ý, về thẩm quyền công bố dịch, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường tính chủ động của chính quyền địa phương; huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thẩm quyền công bố dịch trong trường hợp dịch bệnh xảy ra đồng thời ở nhiều tỉnh không liền kề.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nhận xét, dự thảo Luật còn thiếu quy định về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đây là yêu cầu rất quan trọng hiện nay để tránh tình trạng sử dụng sai hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bình luận: “Thuốc đảm bảo chất lượng là điều kiện cần, nhưng chưa đủ; vì cách thức sử dụng cũng quan trọng không kém. Luật chưa đề cập khâu này”. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự Luật cần bổ sung những quy định về sử dụng ngân sách cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trường hợp xảy ra dịch bệnh trên diện rộng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý: “Việc quản lý hệ thống buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cần được siết chặt. Thực tế hệ thống này vừa bán thuốc, vừa làm công tác “tư vấn” cho bà con nông dân sử dụng thuốc; như vậy khó tránh tình trạng lạm dụng thuốc; trong khi dự thảo Luật chưa đề cập đúng mức vấn đề này”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ quan điểm: “Tuy Luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhưng giữa thực vật với động vật và sức khỏe con người cũng như môi trường chung có mối liên hệ hữu cơ, do đó cần nghiên cứu rộng thêm và đề cập đến những vấn đề có tính nguyên tắc chung đối với sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả thịt, sữa, trứng…) và môi trường”.
Tiếp thu nhiều nội dung được góp ý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết sẽ làm rõ thêm về vai trò của Bộ chủ quản trong quan hệ điều phối, phối hợp các bộ ngành có liên quan khác.
Ông Cao Đức Phát cho biết thêm, một điểm mới trong dự thảo Luật này là quy định về tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật: “Thực tế cho thấy bà con tự dùng thuốc thì hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tổ chức này ra đời sẽ cải thiện tình hình này, chuyên nghiệp hóa công tác bảo vệ thực vật”…
ANH PHƯƠNG
>> Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,4% GDP