Tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Các ý kiến của các lãnh đạo và đại biểu trong buổi làm việc giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với UBND TPHCM vào ngày 29-7 về thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công đã thống nhất tán thành việc xét tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với trường hợp vợ liệt sĩ tái giá.
Là vợ liệt sĩ, có 2 con liệt sĩ: Làm hồ sơ xét tặng ngay
Vấn đề vợ liệt sĩ tái giá, đây là chủ đề “nóng” trong buổi giám sát. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, đối tượng được xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo Nghị định 56/2013 là “Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”. Người chồng là liệt sĩ quy định tại điều khoản này là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công mà bà mẹ là vợ của người đó. Quy định không nêu trường hợp bà mẹ là vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác (tái giá) không được xem xét lập hồ sơ đề nghị.
Trong khi đó, theo tài liệu hướng dẫn của Cục Người có công thì bà mẹ là vợ liệt sĩ đã tái giá không đủ điều kiện xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, do vợ liệt sĩ tái giá nếu đủ điều kiện (nuôi dưỡng con liệt sĩ trưởng thành, phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ) nên chỉ được trợ cấp tiền tuất hàng tháng của liệt sĩ. “Chồng chết rồi, con chết rồi, chỉ còn mình ên. Mình ên sống, mình ên bước thêm bước nữa, quan trọng là mẹ vẫn thờ cúng chồng, thờ cúng con bình thường. Người dân rất quan tâm vấn đề này. Trung ương nên xem xét, sớm tháo gỡ, xét tặng, truy tặng những trường hợp này” - ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đề nghị.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, trong tuần tới, Ủy ban sẽ làm việc với các bộ liên quan để làm rõ trường hợp có chồng và 1 con là liệt sĩ song mẹ đã tái giá. Không nên so sánh việc vợ liệt sĩ tái giá với quan hệ hôn nhân gia đình bình thường. Quan trọng nhất là quan tâm đến giá trị sâu sắc của sự hy sinh của các mẹ. Riêng trường hợp mẹ là vợ liệt sĩ và có 2 con là liệt sĩ thì dù tái giá mấy lần, bà Trương Thị Mai yêu cầu, “ngay tức khắc, những quận, huyện nào chưa thực hiện thì phải thực hiện làm hồ sơ xét tặng, truy tặng ngay”.
Cùng với vấn đề vợ liệt sĩ tái giá, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết nêu thêm các trường hợp “khó” trong việc xét tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong chiến tranh, có trường hợp cha mẹ đi hoạt động cách mạng, hay đã hy sinh, chị gái ở nhà nuôi đàn em khôn lớn, đi làm cách mạng, rồi em hy sinh. Vậy chị có được giải quyết đề nghị xét hay không? TPHCM vừa ghi nhận 1 trường hợp về mẹ đẻ và mẹ nuôi liệt sĩ. Mẹ đẻ sinh ra liệt sĩ. Mẹ nuôi nuôi liệt sĩ ấy khôn lớn. Mỗi người mẹ đều có 1 người con khác hy sinh. Nếu người mẹ nào có thêm 1 người con hy sinh thì người mẹ ấy sẽ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy, trường hợp này, liệt sĩ sẽ được “tính” cho người mẹ nào; chẳng lẽ 1 liệt sĩ chia làm 2?
“Đòi nợ người có công, phản cảm quá!”
Việc điều chỉnh mức trợ cấp trong nhóm tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến phải truy thu 7,8 tỷ đồng tiền chênh lệch trợ cấp đối với 300 người cũng gây bức xúc trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân của việc này là văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chậm, chưa nhất quán, rõ ràng. Trước đó, từ ngày 1-10-2013, TP đã tiến hành điều chỉnh trợ cấp của 2.370 trường hợp (hơn 1.200 trường hợp giảm và hơn 1.150 trường hợp tăng trợ cấp). Đáng lẽ, những trường hợp này phải được điều chỉnh từ 1-1-2013, nhưng đến tháng 10-2013, TP mới có đầy đủ văn bản hướng dẫn để thực hiện việc điều chỉnh. Vì thế, 7,8 tỷ đồng đã chi từ 1-1-2013 đến 30-9-2013 chưa thu hồi được. Trước đó, ngày 28-7, ghi nhận tình trạng này tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: “Đòi nợ người có công, phản cảm quá! Do mình làm chậm, rồi khổ người ta, khổ mình, giờ lại đi truy thu. Quan điểm của tôi là không truy thu”. Theo bà Trương Thị Mai, tình trạng này xảy ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Truy thu là bất khả thi và bà hoan nghênh quyết định của TPHCM là không truy thu khoản tiền này.
Ngược lại với truy thu là truy lãnh và đều cũng rất khó thực hiện. Trước đây, khi theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, học sinh, sinh viên là đối tượng chính sách được miễn, giảm học phí được miễn, giảm học phí trực tiếp, ngay tại nhà trường, sau khi có xác nhận của địa phương. Theo Nghị định 49/2010, đối tượng phải đóng trước cho nhà trường và sau đó lập thủ tục thanh toán lại. Chính sự vòng vèo này đã gây khó cho gia đình chính sách. Trong khi đó, Nghị định có hiệu lực từ năm 2010 nhưng đến năm 2011 mới có văn bản hướng dẫn, thành ra học sinh, sinh viên chưa được hưởng, giờ muốn hưởng thì phải truy lãnh học phí trong năm 2010-2011. Tại quận Tân Bình, 146 học sinh, sinh viên rơi vào tình cảnh trên.
Liên quan đến nhiều tồn tại phát sinh trong quá trình chuyển tiếp chính sách được ghi nhận qua 2 ngày giám sát tại TPHCM, theo bà Trương Thị Mai, có khi chính sách rất tốt nhưng thủ tục rườm rà thì người ta không tiếp cận được chính sách. Chính sách tốt mà tầng tầng lớp lớp thủ tục, làm cho người có công cảm thấy mệt mỏi lắm, chính sách vì thế cũng giảm ý nghĩa.
|
ĐƯỜNG LOAN