Một ngày sau lễ nhậm chức, nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil, bà Dilma Rousseff, đã chủ trì hàng loạt cuộc đàm phán với các đặc phái viên nước ngoài trong nỗ lực khởi động một nhiệm kỳ đầy quyết tâm của mình không chỉ đối với các vấn đề trong nước mà còn là những vấn đề đối ngoại quan trọng.
Chính sách đối ngoại ôn hòa
Dư luận quốc tế đánh giá thời điểm bà Dilma Rousseff lên nắm quyền là thời điểm vàng của kinh tế Brazil, một trong những quốc gia đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nhanh chóng và thuyết phục. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 của quốc gia này là 7,6%. Brazil được trông chờ như điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư thế giới với tấm vé thông hành là nước chủ nhà đăng cai World Cup 2012 và Thế vận hội Olympic 2016 tại Rio de Janejro.
Trong ngày 2-1, tân Tổng thống Brazil đã gặp gỡ với lãnh đạo các quốc gia đối tác như: Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik, Thái tử Tây Ban Nha Felipe Carlos, Tổng thống Uruguay Jose Mujica, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba Jose Ramon Machado và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas.
Bà Rousseff cho biết, trong những chuyến công du sắp tới ở cương vị Tổng thống Brazil, bà lưu tâm đến hai chuyến đi đến Mỹ và Trung Quốc. Kế hoạch của bà Rousseff hướng đến mục tiêu củng cố mối quan hệ với Washington đồng thời vẫn tỏ rõ quan điểm thân thiện với Iran nhằm tránh những mâu thuẫn với Trung Đông. Đây là sự khác biệt cơ bản so với ứng cử viên đảng đối lập Jose Serra.
Đối với các thành viên còn lại của nhóm dẫn đầu những quốc gia có nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, bà Rousseff cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ thành viên gắn kết.
Rào cản và khó khăn
Trước mắt, bà Rousseff sẽ phải bổ nhiệm hàng loạt chức vụ quan trọng và tiến trình này sẽ cho thấy liệu bà có đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu hay không. Có những nhận định cho rằng bà Rousseff cần thời gian để tạo uy tín từ Quốc hội, cũng như thời gian để đạt tiếng nói chung trong liên minh 10 đảng bà đã tập hợp.
Trước tiên là sự đồng thuận về cải cách thuế, bảo vệ môi trường, tăng chất lượng các dịch vụ y tế, phát triển đồng đều các khu vực. Người ta lo ngại bà không thể thông qua những cải cách kinh tế để giúp nền kinh tế nước này thêm thông thoáng, phát triển nhanh, đặc biệt là giảm tỷ lệ nợ công từ 42% xuống 30%. Điều này được dự đoán là gặp nhiều cản trở từ người dân vì ít nhiều sẽ dẫn đến tình trạng “thắt lưng buộc bụng” đối với họ.
Chính phủ của bà Rousseff cam kết nỗ lực xóa bỏ đói nghèo và cam kết tiếp tục chi tiêu vào các chương trình phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng nhằm đưa Brazil gia nhập các nước phát triển. Phát biểu trước người ủng hộ, bà Rousseff nói: “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là giúp người dân Brazil thoát khỏi đói nghèo”.
Một thử thách nữa mà bà Rousseff phải đối mặt là nền giáo dục vẫn còn hụt chân so với đà phát triển kinh tế. Tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành là 14 triệu người. Nạn bạo lực liên quan đến ma túy là mối quan ngại hàng đầu tại các thành phố lớn như Sao Paulo và Rio de Janeiro. Tất cả khiến quốc gia Mỹ Latinh này trở thành một trong những quốc gia phát triển mất cân bằng nhất trên thế giới.
Ngày làm việc đầu tiên của tân Tổng thống Brazil đã khép lại với những cam kết tăng tốc cho nhiệm kỳ 4 năm tổng thống đầu tiên của mình. Một ngày làm việc bận rộn nhưng hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực với trọng trách khá lớn để bà Rousseff không chỉ là “lời giới thiệu hoàn hảo” của người tiền nhiệm.
HÀ NHI
- Thông tin liên quan:
>> Nữ tổng thống đầu tiên của Brazil tuyên thệ nhậm chức