Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động

Ngày 1-5, nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra các hoạt động mít tinh, tuần hành mừng Ngày Quốc tế Lao động. Tuy nhiên, cũng có nơi, người dân xuống đường biểu tình phản đối các chính sách liên quan đến người lao động.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động

Ngày 1-5, nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra các hoạt động mít tinh, tuần hành mừng Ngày Quốc tế Lao động. Tuy nhiên, cũng có nơi, người dân xuống đường biểu tình phản đối các chính sách liên quan đến người lao động.

        Nơi bình yên

Ngày Quốc tế Lao động 1-5-2014 đã trở thành ngày đặc biệt đối với toàn bộ người dân Indonesia vì bắt đầu từ năm nay, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia ở “đất nước vạn đảo”. Tại thủ đô Jakarta, Liên đoàn Liên minh Lao động Indonesia (KPSI) - một trong những tổ chức lớn nhất của người lao động ở quốc đảo này, đã tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành và biểu tình với sự tham gia của hơn 120.000 công nhân, 10.000 giáo viên cùng hàng ngàn người lao động tại thủ đô và khoảng 20 tỉnh. Cảnh sát Jakarta đã triển khai hơn 19.500 nhân viên để đảm bảo an ninh, trật tự tại 14 điểm ở thủ đô Jakarta có kế hoạch diễn ra mít tinh, tuần hành trong hai ngày 1 và 2-5.

Tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva của Nga ngày 1-5 đã diễn ra lễ tuần hành mừng Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên kể từ năm 1991. Đây từng là một hoạt động lớn tại Liên Xô nhưng đã bị hủy bỏ sau giai đoạn biến động đầu thập niên 1990. Tham gia tuần hành năm nay có Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin cùng hơn 100.000 người. Các buổi lễ diễu hành mừng Ngày Quốc tế Lao động năm nay được xem là có quy mô lớn nhất của Nga sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Khoảng 3.100 sự kiện diễn ra tại 1.630 thành phố và địa phương, với sự tham gia của hơn 3 triệu người trên khắp đất nước và đã diễn ra trong an toàn.

Tại Cuba, hàng triệu người dân đã tham dự các cuộc diễu hành được tổ chức tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với cách mạng, mô hình kinh tế xã hội mới đang được triển khai một cách sâu rộng. Họ bày tỏ sự ủng hộ đối với cách mạng, chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro, cũng như phản đối chính sách thù địch mà chính quyền Mỹ áp đặt chống lại quốc đảo này trong suốt nhiều năm qua.

Người dân Nga mừng ngày Quốc tế lao động tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva

Người dân Nga mừng ngày Quốc tế lao động tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva

        Nơi bạo động

Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động nhìn chung diễn ra trong hòa bình, ngoại trừ một số nơi những người biểu tình yêu cầu chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để giúp họ đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng do các tập đoàn lớn đang thu hẹp sản xuất và sa thải hàng loạt công nhân.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát đã phải dùng vòi rồng, súng cao su và hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình quá khích ở quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul. Nhiều người biểu tình kêu gọi các nhà chức trách tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện làm việc, đã bắn pháo hoa, ném chai lọ và gạch đá về phía cảnh sát. Đụng độ đã làm ít nhất 50 người bị thương và 138 người bị bắt giữ. Ngoài Istanbul, các hoạt động biểu tình cũng diễn ra rầm rộ ở hơn 30 tỉnh thành khác của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thủ đô Ankara.

Trong khi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có gần 21 triệu phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả nam giới trên toàn thế giới đang phải đối mặt với lao động cưỡng bức, thì Tổ chức Giám sát nhân quyền có trụ sở tại Anh cho rằng, nên đánh dấu Ngày Quốc tế Lao động năm nay với cam kết tạo ra các tiêu chuẩn ràng buộc pháp lý, ngăn chặn lao động cưỡng bức và bảo vệ, bồi thường cho những nạn nhân.

Công ước của ILO về lao động cưỡng bức - một trong những hiệp ước quan trọng nhất trong Luật Lao động quốc tế được 177 quốc gia phê chuẩn, có một số điều khoản đã lạc hậu. Vì vậy, Tổ chức Giám sát nhân quyền cho rằng, các chính phủ, liên đoàn thương mại cùng các nhóm lao động có cuộc họp tại Geneva vào tháng 6 tới, cần phải thảo luận những tiêu chuẩn bổ sung, đặt ra các tiêu chuẩn mới để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục