(SGGP).- Trước thực trạng dịch bệnh trên tôm nuôi và một số loài thủy sản đang lan rộng ở khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa có Chỉ thị số 9270 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chỉ đạo các giải pháp tăng cường công tác thú y thủy sản.
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước bị thiệt hại lên đến 49.794ha, trong đó tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và khu vực miền Trung. Hơn 2.000 lồng tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000ha nuôi tôm hùm bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm. Một số dịch bệnh quan trọng trên tôm (bệnh đốm trắng), trên cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), trên tôm hùm (bệnh sữa) liên tục có chiều hướng gia tăng cùng do nguyên nhân môi trường bị ô nhiễm, gây tổn thất hàng ngàn tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta. Để đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam sang các nước, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bách triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Trong đó, 11 tỉnh và thành phố gồm: Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh khẩn trương tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Năm 2015, tập trung phòng, chống bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ. Rà soát, đầu tư, nâng cấp các phòng thử nghiệm của địa phương đạt chuẩn theo quy định...
PHÚC HẬU