Theo văn bản số 880/UBND-NNTN, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm, lở mồm long móng ở heo đã và đang xảy ra ở một số huyện trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 8 xã của 4 huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Đức Phổ, với tổng số heo mắc bệnh lở mồm long móng là 823 con và 6.600 con gà mắc bệnh cúm gia cầm ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn.
Nguy cơ các loại dịch bệnh động vật tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng...
Để chủ động tổ chức, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở NN-PTNT, các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách.
Đối với các huyện, thành phố có ổ dịch bệnh động vật, tập trung tối đa các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác và phân công rõ trách nhiệm cụ thể từng thành viên, tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng các quy định của Luật Thú y.
Tiếp tục tuyên truyền, thông tin để người chăn nuôi biết và hợp tác trong phòng, chống dịch. Trường hợp đàn heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi chết không rõ nguyên nhân phải khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn heo, tổng vệ sinh, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển.
Tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất từ ngày 1-3 đến 31-3 tại các ổ dịch cũ, khu vực sau lũ lụt, khu vực có mật độ chăn nuôi, cơ sở mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm…
Đối với Sở NN-PTNT, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi để có giải pháp quản lý, ngăn chặn. Chỉ đạo 2 trạm Kiểm dịch Sa Huỳnh và Bình Sơn tổ chức kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm heo, nếu phát hiện heo bệnh, nghi bệnh, chết thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.
Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh qua Sở NN-PTNT.