(SGGP).- Ngày 17-2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ GT-VT về việc phối hợp tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 1-2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và tính từ năm 2013 đến nay Trung Quốc đã có 1.174 người nhiễm, trong đó 417 ca tử vong. Còn theo Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới, trong tháng 1-2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao tại Trung Quốc. Nguy cơ lây nhiễm các chủng loại virus cúm gia cầm chưa từng có ở Việt Nam vào Việt Nam là rất cao.
Để ngăn chặn sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus khác từ nước ngoài vào Việt Nam, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh và các bộ có liên quan tổ chức nghiêm cấm vận chuyển gia cầm qua biên giới; khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp để triển khai phòng chống dịch; Cục Thú y tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển gia cầm qua biên giới, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác; UBND các tỉnh chỉ đạo các cấp lập chốt kiểm dịch, không để dịch lây lan cho người và xảy ra diện rộng. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, giết mổ, ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người nhưng có nhiều nguy cơ bị cúm A(H7N9) từ vùng có dịch xâm nhập.
VĂN PHÚC - MINH KHANG