(SGGPO). – Chiều 26-12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2012-2016 về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong 3 năm qua, các tổ chức thành viên của mặt trận đã phát động các phong trào thi đua như: “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh”, Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi ni lông khi đi chợ”, “nông nghiệp sạch”… góp phần thay đổi nhận thức và hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người dân. Nhiều nơi đã lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.
Từ thực tế đã thực hiện, 2 bên tiếp tục phối hợp trong giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong giai đoạn hiện nay, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nỗi lo lắng của nhân dân ngày càng lớn, điều đó xuất phát từ thực tế quản lý môi trường ngày càng nhiều thách thức. Trong gần 30 năm qua, quy mô kinh tế tăng gấp 30 lần. Kinh tế càng tăng trưởng thì chất thải càng tăng lên. Cùng với đó, dân số tăng, mỗi năm tăng thêm 1 triệu dân, 1 triệu người dân là 1 triệu nguồn rác thải. Mức sống tăng thì các phương tiện phục vụ cũng tăng, số lượng ôtô, xe máy tăng mạnh, mỗi tuần tăng cả ngàn chiếc ôtô, vì thế nguồn thải ngày càng gia tăng một cách khủng khiếp. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển và môi trường. Trong khi đó, bộ máy quản lý lại không thể tăng. Với bộ máy thanh tra môi trường hiện nay, phải hết 100 năm chúng ta mới có thể thanh tra hết số lượng doanh nghiệp, khu công nghiệp...
Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Nhân dân sẽ giám sát, phát hiện các cơ sở vi phạm về môi trường, khi có phát hiện sai phạm thì thanh tra nhà nước mới vào cuộc để chỉ rõ sai phạm và có chế tài xử lý. Việc mặt trận và ngành TN-MT tiếp tục ký kết chương trình giai đoạn 2016-2020 là để phát huy vai trò đó của nhân dân.
Phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Những giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam là khá đầy đủ, nhiều mô hình về xây dựng cuộc sống xanh, sạch đã được xây dựng. Đã có nhiều giải pháp, công nghệ để chuyển hóa chất thải, nguồn nước thành nguồn năng lượng sạch... Tuy vậy, cần tiếp tục có những giải pháp để giảm chất thải, sản xuất sạch hơn, sống sạch hơn. Muốn thế phải đầu tư nguồn lực, phải tăng cường vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi trong cuộc sống. ùng với đó, phải tăng cường giám sát các cơ quan, doanh nghiệp có nguồn xả thải.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, cần xây dựng mô hình quản lý môi trường, trong đó cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới là một giải pháp tối ưu. Cần phân công rõ vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể. Ví dụ Tổng liên đoàn giám sát xả thải của các doanh nghiệp; Hội nông dân giám sát việc sử dụng vật tư nông nghiệp, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; Đoàn thanh niên giám sát xử lý rác sinh hoạt của gia đình ở phường xã, khu dân cư; Hội phụ nữ giám sát việc xả thải, xả rác của chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở dịch vụ ăn uống, lò giết mổ; Tổng hội y học giám sát xả thải của các bệnh viện, cơ sở y tế; Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật giám sát chất lượng nước của đô thị, địa phương; Hội cựu chiến binh giám sát việc khai thác khoáng sản, cát sỏi; Việc vận động người dân thực hiện hỏa táng cho người chết giao cho các tôn giáo; Mặt trận phân công các đoàn thể để vận động nhân dân trồng cây.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, mặt trận sẽ chủ trì để giám sát việc xả thải của các khu công nghiệp, dự án, công trình lớn.. ; xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư bảo vệ môi trường; vận động người dân hỏa táng..
PHAN THẢO