
* Tốc độ tăng giá năm 2008 phấn đấu dưới 8%
Kết thúc các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh) đã thay mặt Chính phủ báo cáo về những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận cũng như giải pháp phát triển trong thời gian tới. Phó Thủ tướng nói:

Đến nay nhìn về tổng thể, đất nước ta vẫn là một nước nghèo, GDP bình quân đầu người 1.000 USD, tổng thu ngân sách một năm khoảng 20 tỷ đô la. Tất cả các mặt cân đối chưa đảm bảo dẫn tới tình trạng nhập siêu do nhập khẩu: 100% xăng dầu, 60% phôi thép, 2/3 phân bón, 80% nguyên liệu làm thuốc. Điều đó cho thấy tự chủ, năng lực thực sự bên trong của nền kinh tế nước ta vẫn còn phụ thuộc. Để giải quyết những vấn đề đó trong hội nhập kinh tế, chúng ta gặp những khó khăn và thách thức lớn.
Trước hết là tầm nhìn chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển. Khó khăn thách thức thứ hai là cơ sở hạ tầng yếu kém. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo để nhanh chóng khắc phục cho được tình trạng mất cân đối vì những vật tư chủ yếu. Từ nay đến năm 2010 và trước năm 2015 chúng ta sẽ đảm bảo cân đối về mặt lương thực cho nông nghiệp, chính là phân bón. Từ đó chúng ta góp phần điều phối lại giá cả thị trường và đời sống cho người nông dân.
Từ nay đến 2009 chúng ta phấn đấu hoàn thành nhà máy lọc dầu số 1. Dự kiến đến năm 2015, thêm 2 nhà máy lọc dầu số 2 và số 3 sẽ đảm bảo công suất lọc dầu chừng 20 triệu tấn/năm, tương đương với sản lượng xăng dầu chúng ta cần có để phục vụ đời sống sản xuất và tiêu dùng của đất nước chúng ta. Đến năm 2020 chúng ta sẽ nâng mức độ công nghiệp chế biến xăng dầu này lên cở 30 triệu tấn/năm. Nếu phấn đấu đạt được mức độ đó thì chúng ta chủ động được vấn đề xăng dầu phục vụ trong nước.
Về nguyên liệu thép và luyện thép, theo chiến lược và kế hoạch đã định ra Chính phủ đã chỉ đạo đến nay chúng ta mới được 3 triệu tấn phôi, đến năm 2010 chúng ta sẽ có 8 triệu tấn phôi, đến trước năm 2015 sẽ có khoảng 15- 20 triệu tấn phôi để phục vụ cho công nghiệp. Nhờ vậy chúng ta sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp khác như công nghiệp đóng tàu để có đội tàu biển, tự trang bị được những phương tiện để vượt ra đại dương. Như vậy nền kinh tế của chúng ta sẽ có sức mạnh vươn ra bên ngoài tốt hơn để có thể đảm bảo được vừa mua tàu vừa sản xuất tàu.
Về hạ tầng quy hoạch phát triển, chúng ta đang thực hiện chiến lược mà Đại hội Đảng đã thông qua (2001-2010) là ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo trình ra Quốc hội lần này, tinh thần là muốn đi sớm, thực hiện sớm chiến lược đó khoảng 1 năm. Vào năm 2008 chính là năm phấn đấu để 2009 chúng ta thực hiện thành công chiến lược này. Trên cơ sở chiến lược tổng thể đó, chúng ta đã có chiến lược cụ thể của từng vùng bằng các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đường sắt, chúng ta đang cấp tập để làm thiết kế hoàn chỉnh hai việc: cải tạo nâng cấp đường sắt cũ, các tuyến đã có; triển khai đường sắt cao tốc hành khách từ Hà Nội đến TPHCM và triển khai tuyến Sài Gòn-Trung Lương và đến Cần Thơ. Đến nay quy hoạch vạch tuyến đã cơ bản xong, lập dự án từ TPHCM ra tới Nha Trang đã cơ bản hoàn thành.
Đối với hệ thống đường bộ, chúng ta đã lên quy hoạch một số đường cao tốc vào năm 2008. Đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng ra cảng Đình Vũ để phát triển cảng Lạch Tray, làm đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ,…
Trong năm 2008, chúng ta dành hầu như toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư để tập trung vào hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông và hạ tầng thủy lợi, xã hội, kể cả việc phát hành trái phiếu, công trái. Chúng ta cũng sẽ tăng nguồn đầu tư bằng công trái cho giáo dục để kiên cố hóa các trường học sát với chuẩn. Trước hết là làm tất cả các huyện miền núi, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo về trường học. Năm 2008 và 2009 sẽ giải quyết xong mục tiêu về trường học.
Năm 2007, chúng ta dự kiến đạt mức tăng trưởng 8,5% (trong kế hoạch Quốc hội đặt ra là 8,2%-8,5%). Chúng ta phấn đấu từ nay đến cuối năm để đạt cho được 8,5%. Chính phủ dự kiến là năm 2008 khoảng 8,5%-9% và phấn đấu đạt và cao hơn 9%. Chúng ta hoàn toàn cũng có thể đưa ra một kế hoạch là 9%-10%. Nhưng làm như vậy chúng ta sẽ hy sinh sự bền vững. Giải quyết những vấn đề nông nghiệp, nông dân nông thôn, điều hành giá cả thị trường sẽ rất phức tạp, rất khó khăn.
Chính vì vậy, tốc độ tăng giá Chính phủ trình với Quốc hội mức dưới tốc độ tăng trưởng, nhưng chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ từ đầu năm đến nay và sang năm phấn đấu ở mức dưới 8%. Như vậy tốc độ tăng trưởng từ 8,5%-9%, phấn đấu trên 9%. Tốc độ tăng giá dưới tốc độ tăng trưởng, phấn đấu dưới 8%.
HÀ MY ghi