Thế nhưng, trong kết luận công bố mới đây về những vi phạm của điện lực, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt dự án được mua điện vượt xa giá trần của khung cho phép.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, do được ưu ái về giá bán cao, nên các dự án điện mặt trời được Bộ Công thương bổ sung vượt hơn 10 lần quy hoạch, có cả dự án được duyệt “khống”, thời gian cho hưởng giá ưu đãi (FIT) tới 20 năm là quá dài. Chẳng hạn, chỉ riêng 14 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm không đúng quy định, số tiền điện mà EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ năm 2020 đến tháng 6-2022) tăng thêm 1.481 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành điện lực, tân Tổng Giám đốc EVN phải than rằng, trong tổng chi phí giá điện bình quân đầu vào của EVN (gồm các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối…) thì riêng khâu sản xuất (EVN phải mua lại điện của các nhà đầu tư) đang chiếm tới 80% giá thành. Đây là điều bất bình thường, vì ở các nước, khâu này chỉ chiếm 50% và nửa còn lại phải là chi phí cho các khâu truyền tải, phân phối… Do chi phí mua điện tăng cao bất thường, dẫn đến giá thành bình quân của chi phí đầu vào (gồm các khâu sản xuất hoặc mua, truyền tải và phân phối) mà EVN phải chịu lên tới 2.092,78 đồng/kWh, trong khi giá điện bình quân bán ra chỉ có 1.950,32 đồng/kWh. Có nghĩa càng bán càng lỗ.
Như vậy, phải chặn ngay tình trạng mua bán điện đầu vào vượt khung giá mà chính Bộ Công thương đã tính toán khi ban hành; đồng thời, thu hồi lại khoản tiền vượt khung giá mà các chủ đầu tư và nhóm lợi ích đã trục lợi. Cùng với đó, xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp, nhà đầu tư trục lợi. Giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất hàng hóa và sinh hoạt, nếu tăng giá cũng cần có cơ sở thuyết phục. Cần làm rõ những vi phạm của nhóm lợi ích, cá nhân và cơ quan nào đã tiếp tay cho những mánh khóe trục lợi này?