Dư luận Mỹ những ngày qua vẫn tiếp tục sôi sục với câu chuyện giáo dục tại xứ cờ hoa. Kết quả kiểm tra áp dụng chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) tại 60 quốc gia trên thế giới đầu tháng 12 vừa qua cho kết quả không ai ngờ khi học sinh Mỹ (ở lứa tuổi 15) chỉ nằm ở vị trí giữa bảng xếp hạng. Về đọc hiểu, Mỹ đứng ở vị trí thứ 17, về khoa học là 21 và “bê bết” nhất là toán ở vị trí thứ 26.
Các tờ báo lớn như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times đều đăng tải bài viết báo động về tình trạng giáo dục ở Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan đã mô tả kết quả cuộc kiểm tra là “bức tranh về sự thụt lùi của giáo dục Mỹ”.
Một trong những nguyên nhân gây ra sự thụt lùi được Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan chỉ ra đó là số giờ học tại trường của học sinh Mỹ quá ít. Các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng việc kéo dài thời gian học ở trường có thể giúp học sinh đạt được thành quả nhất định. Đó là lý do Bộ trưởng Arne Duncan khởi xướng việc tăng giờ học tại các trường ở Mỹ. Dự án thử nghiệm kéo dài 3 năm sẽ áp dụng tại 40 trường ở Colorado, Connecticut, Massachusetts, New York và Tennessee.
Tuy nhiên, tranh cãi gay gắt đã nổ ra xoay quanh dự án này. Những người ủng hộ dự án cho rằng kiến thức của học sinh bị “rơi rụng” rất nhiều theo những ngày nghỉ hè dài. Tổ chức học hè quốc gia Mỹ dẫn số liệu vài thập niên qua cho thấy kết quả bài kiểm tra học sinh ở cùng một môn học thường cao hơn hẳn vào cuối năm học, nghĩa là đầu mùa nghỉ hè so với đầu năm học khi kỳ nghỉ hè kết thúc. “Nghiên cứu quá rõ ràng. Chỉ có khoảng 10% - 15% học sinh là không bị rơi rụng kiến thức.
Từ học sinh năng khiếu đến các sinh viên đều chịu tác động từ những ngày nghỉ hè quá dài”, Charles Ballinger, Giám đốc điều hành hiệp hội quốc gia về niên học Taij San Diego, Mỹ cho biết. Ngoài ra, những người ủng hộ dự án còn cho rằng năm học dài hơn còn giúp học sinh nghèo được tiếp cận nhiều hơn với những bữa ăn có chất lượng ở trường học.
Trong khi đó, những người phản đối dự án cũng đưa ra không ít những lý do để bảo vệ quan điểm “học quá nhiều không tốt cho trẻ”. Họ cho rằng một kỳ nghỉ hè dài là cần thiết cho học sinh để các em có thể thư giãn, giảm căng thẳng từ việc học và có thời gian quây quần bên gia đình. Học sinh cần phải có nhiều thời gian để du lịch hoặc nghiên cứu sâu hơn đối với các lĩnh vực yêu thích.
Tina Bruno, Giám đốc điều hành Liên minh vì thời khóa biểu học, cho rằng phụ huynh cũng phải tham gia dạy dỗ con em mình nên không nhất thiết phải học 7 ngày/tuần. Những doanh nghiệp tổ chức trại hè, khách sạn và các ngành công nghiệp liên quan đến hoạt động hè cũng ra sức phản đối do quan ngại ảnh hưởng đến kinh doanh.
Vì vậy, có hay không việc kéo dài giờ học tại các trường học ở Mỹ sẽ vẫn còn tranh cãi dai dẳng, chưa có hồi kết.
ĐỖ CAO