Sáng 21-3, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về công tác đảm bảo ATGT. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn, đưa ra những giải pháp cụ thể và phấn đấu giảm tai nạn giao thông (TNGT) cao hơn mục tiêu 5%-10% mà Quốc hội đề ra.
Mừng nhưng chưa hết lo
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày, trong 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã xảy ra 1.940 vụ TNGT, làm chết 1.665 người, bị thương 1.481 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 48% số vụ, giảm gần 20% số người chết và giảm 61% số người bị thương. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Rõ ràng nếu chúng ta quyết tâm cao, thực sự đầu tư cho công tác đảm bảo trật tự ATGT thì mục tiêu Quốc hội đề ra giảm từ 5%-10% cả 3 tiêu chí về ATGT trong năm 2012 sẽ đạt và vượt”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, vẫn còn một số tỉnh thành phố có số người chết tăng cao bất thường, như: Kon Tum tăng 69,2%, Quảng Ngãi tăng 46,2%, Long An tăng 17%, Hậu Giang tăng 10,5%, Thái Bình tăng 10%, Bình Phước tăng 3%, Bình Định tăng 1,9%. Về nguyên nhân TNGT tăng, ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum thừa nhận: “Số người tham gia giao thông vi phạm dưới 29 tuổi chiếm tới 52% số vụ, liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số cũng chiếm tỷ lệ cao, điều này cho thấy công tác tuyên truyền chưa làm tốt, việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trên địa bàn chưa triệt để và việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ chưa được làm nghiêm”. Đại diện các tỉnh Quảng Ngãi, Tây Ninh, Long An cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn gia tăng là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ý thức người tham gia giao thông chưa cao…
Đánh giá về kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: “Đây chỉ là kết quả bước đầu, tuy đáng phấn khởi nhưng chưa vững chắc, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong những tháng tiếp theo”.
Đề xuất nhiều giải pháp mạnh
Để hạn chế gia tăng TNGT, đại diện các tỉnh, thành phố đều đồng tình kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm sửa đổi Nghị định 34 theo hướng nâng cao mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (ATGTQG), hiện Nghị định này đang được hoàn thiện, trong đó đã bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm như: lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ; bổ sung hình thức xử phạt đối với chủ các phương tiện gây TNGT; bổ sung hình thức tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn với những trường hợp lái xe gây TNGT nghiêm trọng… Đặc biệt, UBND TPHCM đã kiến nghị thí điểm tịch thu xe đua ngay lần đầu vi phạm.
Trong khi chờ ý kiến của Quốc hội và Chính phủ, TPHCM sẽ tăng mức phí tạm giữ phương tiện đua xe lên 500.000 đồng/ngày. Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG cũng đề nghị sớm thực hiện phương án tịch thu phương tiện đua xe, tiêu hủy những xe đã qua cải tạo sai thiết kế ban đầu, nâng thẩm quyền xử phạt của công an lên mức 2.000.000 đồng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cũng đề nghị Phó Thủ tướng xem xét chuyển phần việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang cho ngành công an, Bộ GTVT chỉ chịu trách nhiệm đào tạo lái xe. Các tỉnh, thành phố cũng đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 1, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Hồ Chí Minh và các công trình giao thông trọng điểm để sớm góp phần giảm ùn tắc và TNGT.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng tình với những đề xuất của các tỉnh, thành phố và yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, tăng cường tuần tra xử lý các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt từ 18 giờ đến 24 giờ hàng ngày; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về ATGT.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện xe cơ giới. Bộ Công thương có các biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông các loại nón bảo hiểm không đảm bảo quy chuẩn, chất lượng Bộ VH-TT-DL xây dựng và công bố tiêu chí về “Văn hóa giao thông”.
Bộ GTVT ban hành quy định về phát hiện và xử lý điểm đen về TNGT đường bộ; xây dựng Đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, rà soát lại hệ thống đường ngang dân sinh; hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP, Bộ Công an phối hợp Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng. UBND các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp ban hành quy định “Không uống rượu bia trong giờ làm việc, nghỉ trưa”…
Bích Quyên