Tăng học phí – đừng để “gió vào nhà trống”!

Thứ nhất,

Không phải đến bây giờ ngành GD-ĐT mới nghĩ đến chuyện tăng học phí. Ít nhất trong thập niên qua, vấn đề này cũng đã 3 lần được đưa ra trước Quốc hội và dư luận xã hội để lấy ý kiến, song tất cả đều thất bại. Chỉ với việc tăng học phí mà, ngành GD-ĐT mãi loay hoay không thuyết phục được nhân dân và những nhà lập pháp. Chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra?

Mọi người phản đối việc tăng học phí ư? Câu trả lời thẳng thắn là không. Dư luận chung không ai phản đối việc tăng học phí cả. Bởi, chúng ta đã ở trạng thái của nền kinh tế thị trường, với sự phân hóa giàu - nghèo trong nhân dân khá khắc nghiệt. Đã đến lúc, phải có sự đóng góp hợp-lý-theo-hoàn-cảnh của người học vào nền giáo dục, vì không nguồn ngân sách nào có thể đảm đương nổi toàn bộ chi phí GD-ĐT đang ngày một tăng cao.

Nhưng vấn đề là giải mã cho được những ẩn số trong việc tăng thu học phí. Do đó, dư luận đòi hỏi ngành GD-ĐT trước khi tăng học phí phải trả lời cho được 2 câu hỏi:

Thứ nhất, tính công bằng xã hội được giải quyết cụ thể như thế nào? Ở đây không phải là câu “thiệu” chung chung: học sinh nghèo được miễn giảm học phí, được vay tiền học tập v.v... và v.v… Mà, nhân dân đòi hỏi ngành GD-ĐT phải có hẳn một dự án với những giải đáp cụ thể: Thật sự cả nước chúng ta có bao nhiêu học sinh gọi là nghèo trong diện cần giúp đỡ? Bao nhiêu em trong diện miễn 100%, bao nhiêu em diện được giảm 50%, 25% v.v… Hệ thống miễn, giảm học phí cũng như cho vay học tập, học bổng… chúng ta đã có từ rất lâu, song không phát huy hiệu quả tốt, nguyên nhân từ đâu? Và, sẽ được sửa chữa cụ thể thế nào trong dự án sắp tới? Tất cả những băn khoăn trên phải được ngành GD-ĐT giải đáp cụ thể, khoa học, thuyết phục được toàn xã hội.

Chúng ta phải hiểu rằng, tính công bằng xã hội phải được nhìn nhận không chỉ dưới góc độ “chính trị - xã hội” của vấn đề, mà trên hết là vì một nguồn nhân lực tốt - ở đó mọi lao động tương lai đều có điều kiện học tập phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của họ. Có như vậy, chúng ta mới có thể nói đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, những đồng tiền tăng thêm cho ngành GD-ĐT hiệu quả ra sao? Rõ ràng, bấy lâu nay niềm tin của xã hội về cung cách quản lý của ngành GD có bị sụt giảm. Trả lời sao đây khi, chỉ từ năm 2001 - 2006, ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT tăng gấp 4 lần, chưa kể dân đóng góp bằng 30% ngân sách và 1.109 triệu USD vay vốn ODA, trong khi số học sinh không tăng, nhưng chất lượng GD tiếp tục ngày một trở thành vấn nạn lớn.

Cả một hệ thống kinh tế - tài chính của nền giáo dục còn rất không rõ ràng, minh bạch? Tính lợi nhuận và phi lợi nhuận trong nền giáo dục, đến giờ này vẫn chưa có câu trả lời. Chính cái “khoảng mờ” này đã mang lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho một số cán bộ giáo dục. Ngành GD chỉ biết học nước ngoài chuyện tăng học phí, nhưng hình như ngành lại quên học cách chi sao để phát triển.

Không nói đâu xa, trong khi ĐH nước ngoài, tổng ngân sách dành trả lương GV chiếm 50%, thì ĐHVN chỉ dành khoảng 30%. Hoặc ví dụ, chúng ta nhìn thấy ĐH RMIT thu học phí cao tại VN, nhưng lại cố tình quên rằng, để thu được như vậy, ngay từ đầu họ đã phải đầu tư ngay vài triệu USD để “trường ra trường, thầy ra thầy, lớp ra lớp”.

Còn ĐH dân lập của chúng ta, có trường đầu tư ban đầu chỉ 2 - 3 tỷ đồng VN, phòng ốc thuê mượn, phòng thí nghiệm, thư viện không có… - làm sao nói đến chuyện thu học phí bằng người ta được. Và ở giai đoạn này, câu trả lời của người học cũng đã rõ ràng, ĐH RMIT thu học phí cao nhưng học sinh vẫn chen chân mong tìm một chỗ học, trong khi một số ĐH dân lập VN phải lục tục thu hẹp ngành học vì…không có SV. Và, chúng ta nên biết thêm rằng giá học phí của những nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn, có 2 mức: mức dành cho con em bản xứ rất thấp, và mức học phí cao chỉ để dành cho người nước ngoài hay khi họ “xuất khẩu” giáo dục.

Một số cán bộ GD vẫn biện minh “không thể tay không bắt giặc”. Vâng, như vậy các trường cũng không thể đầu tư ban đầu gần như “vườn không nhà trống” mà đòi thu ngay học phí cấp quốc tế được. Chúng ta phải sòng phẳng với người học, đừng vì hiện nay đại học VN còn cơ chế “độc quyền”, vì người được nhận vào học chỉ mới chiếm khoảng 1/10 nhu cầu, mà bắt chẹt người học.

Đất nước chúng ta đã gia nhập WTO, chỉ một vài năm nữa các ĐH Quốc tế được tham gia rộng rãi vào hệ thống GD của chúng ta. Lúc đó, với nguồn học phí tương đương nhau hoặc chênh không đáng kể, người học sẽ chọn trường nào có đầu tư ban đầu tốt, chất lượng cao, bằng cấp giá trị để học. Nếu vẫn mang tư tưởng quản lý “bắt chẹt” người học như hiện nay, ĐH VN sẽ có nguy cơ “chết ngay trên sân nhà”! Bi kịch này không xa lắm đâu nếu ngành GD không tư duy lại công tác quản lý.

Minh bạch và công bằng xã hội sẽ là hai yếu tố quyết định chính xác mức học phí và là tiền đề cho nền giáo dục nước nhà phát triển.

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục