Với hơn 1 tỷ dân, khu vực kinh tế Tây Phi và Trung Phi được đánh giá là thị trường tiềm năng. Đặc biệt, khu vực này lại đang có nhu cầu lớn về hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm như gạo, điều, hoa quả..., vốn là thế mạnh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực Tây Phi đã tăng gấp 5 lần, từ 180 triệu USD (năm 2007) lên 854 triệu USD (năm 2014). Còn kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực Trung Phi tăng 4,6 lần, từ 72,6 triệu USD (năm 2007) lên 340,8 triệu USD (năm 2014). Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 50% - 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang hai khu vực trên. Kế đến là sản phẩm ngành dệt may, công nghiệp chế biến... Theo ông Hoàng Đức Nhuận, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương), nếu Việt Nam tận dụng tốt những chính sách ưu đãi trong những lĩnh vực ưu tiên và khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của các nước châu Phi, giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Được biết, Bộ Công thương cũng như các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại liên vùng ở châu Phi, châu Á và châu Âu. Theo đó, hỗ trợ DN Việt tăng cường kết nối, giao lưu; tạo cơ hội để các DN vừa và nhỏ của các nước thiết lập những quan hệ kinh tế bền vững, nắm bắt những cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: Hiện nhiều DN Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả những nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm không chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa, mà còn cung ứng cho thị trường xuất khẩu thông qua hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Với năng lực hiện hữu, cộng với nhiều chính sách ưu đãi mà liên minh các nước châu Phi dành cho Việt Nam, việc thâm nhập sâu vào thị trường khu vực trên chỉ là vấn đề thời gian.
MINH XUÂN