Tăng lượng, tăng chất cổ phần hóa

Nhằm tăng qui mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay trên cả nước có 71% số DNNN đã được sắp xếp lại hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Tính đến nay, có 3.250 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và đến thời điểm này đã hoàn thành thí điểm cổ phần hóa 3 tổng công ty nhà nước lớn. Theo lộ trình, trong năm nay sẽ triển khai cổ phần hóa tiếp hơn 20 tổng công ty và 500 doanh nghiệp khác. Hầu hết các DNNN đã cổ phần hóa đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ lực, nòng cốt trong nền kinh tế.

Lý giải về sự hoạt động có hiệu quả hơn hẳn sau cổ phần hóa, nhiều chuyên gia cho rằng do doanh nghiệp thực sự có chủ, có sự chỉ đạo, giám sát sát sao của hội đồng quản trị và cổ đông. Ban Giám đốc cũng không muốn làm ăn làng nhàng, được chăng hay chớ vì sợ tới kỳ đại hội, cổ đông sẽ …rỉa rói, nhiết móc, dễ mất chức! Cổ phần hóa là cơ hội lớn để “thay máu” đổi mới hoạt động doanh nghiệp: Công ty đạt hiệu quả cao thì nhà nước thu thuế nhiều hơn, đời sống người lao động được cải thiện; thị giá cổ phần cao hơn thì mức vốn hóa số cổ phần chi phối của nhà nước tại doanh nghiệp càng tăng…Tuy nhiên, trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng được như vậy. Có nơi, sau cổ phần hóa, bộ máy của doanh nghiệp cổ phần cũng y chang như bộ máy DNNN trước đây. Ông giám đốc bây giờ là chủ tịch hội đồng quản trị, có khi kiêm luôn chức giám đốc. Mọi việc đều do ông quyết, bất chấp ý kiến cổ đông, doanh nghiệp không tạo được bước phát triển mới về chất sau cổ phần hóa, đời sống công nhân càng căng thẳng hơn.

Dù số DNNN được cổ phần hóa khá lớn, tuy nhiên đến nay tổng số vốn nhà nước được cổ phần hóa chỉ chiếm 20% - một con số khiêm tốn cho một chặng đường dài. Sở dĩ có điều này là do một số lãnh đạo ngành chủ quản đã cố tình trì hoãn, né tránh việc cổ phần hóa các DNNN thuộc quyền, vì sợ mất đi “quyền quản lý” – đồng nghĩa với đặc quyền, đặc lợi do doanh nghiệp cấp dưới mang lại. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện qui chế cổ phần hóa doanh nghiệp để tránh thất thoát tài sản nhà nước, bảo đảm quyền lợi người lao động, đổi mới phương thức quản lý sau cổ phần hóa…, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung, kiên quyết tiếp tục việc sắp xếp lại DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa phần lớn các DNNN còn lại, kể cả các tổng công ty, các doanh nghiệp đặc biệt… Đây là bước đi quyết định để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Tăng chất, tăng lượng cổ phần hóa đang là vấn đề nóng, để chuyển hẳn DNNN sang hoạt động theo cơ chế thị trường.

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Tin cùng chuyên mục