Tăng lương thôi chưa đủ

Nhật báo Le Monde số ra ngày 2-5 đã đề cập đến hiện tượng tiền lương tại châu Á đang tăng lên, song vẫn chưa thể làm thay đổi bản đồ công nghiệp thế giới.

Ngày 1-5, công nhân nhiều nước như Pakistan, Philippines, Indonesia... đã xuống đường đòi tăng lương. Cũng trong ngày này, Razzaq Ansari, 45 tuổi, người cha thất nghiệp của 6 đứa con ở miền Nam Pakistan, đã tự thiêu vì không có việc làm. Điều này phản ánh một sự giận dữ, nỗi thống khổ và tuyệt vọng của người lao động tại nhiều nơi ở châu Á. Chính vì vậy, nhiều nước tại châu Á đã và đang chú trọng đến việc tăng lương cho người lao động.

Đặc biệt tại Trung Quốc, công xưởng của thế giới, các tỉnh đã cho tăng lương tối thiểu lên khoảng 22% vào năm ngoái và năm nay lương cũng tăng ở mức hai con số. Tại Thâm Quyến, TP giáp Hồng Công, mức lương tối thiểu đã được tăng từ 13,6% trong tháng 2 để khuyến khích người lao động di cư trở lại làm việc sau khi về quê ăn tết. Lương bình quân của công nhân nơi đây hiện nay là 1.500 nhân dân tệ (180 EUR) cho một tuần làm việc 40 giờ.

Ở Thái Lan, chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bắt đầu thực hiện cam kết khi tranh cử: Từ ngày 1-4, lương công nhật tối thiểu là 300 baht/ngày (7,38 EUR) tại 7/76 tỉnh. Sắp tới, những người có bằng cử nhân cũng được lãnh lương tháng tối thiểu là 15.000 bath. Nhưng mức lương tăng ngoạn mục nhất châu Á có lẽ là ở Ấn Độ. Mức lương tăng trung bình ở đây trong năm 2011 là 12,6%, dự kiến trong năm 2012 là 11,9%. Không chỉ trong các ngành đòi hỏi tay nghề cao như dược phẩm hay công nghệ, mà thu nhập của công nhân nông nghiệp cũng tăng trên 15% tại đa số các bang, còn trong kinh tế ngầm thì mức lương cũng tăng vọt.

Trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nhiều nền kinh tế châu Á vốn tập trung vào xuất khẩu đã nhận ra rằng, không nên dựa dẫm quá nhiều vào xuất khẩu vì điều đó sẽ phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Khi các thị trường này gặp khó khăn, các nền kinh tế xem trọng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, họ đã chuyển đổi chính sách sang chú trọng vào thị trường nội địa. Do đó, nếu nhìn ở cấp độ chính phủ, tăng lương cũng là cách nhằm đẩy mạnh sức mua của thị trường trong nước.

Nếu công lao động tại nhiều nước châu Á giờ đây còn cao hơn một số nước Đông Âu thì vẫn còn rất rẻ so với phương Tây. Khi chuyển sang châu Á, nhà công nghiệp không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn nhắm vào lượng khách hàng mới có sức mua đang ngày càng cao tại đây. Một vấn đề khác nữa là liệu việc tăng lương có giúp cải thiện thật sự đời sống của người lao động và kích thích nhu cầu nội địa hay không? Báo Le Monde dẫn lời các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lạm phát cao ở một số nền kinh tế châu Á, đôi khi lên đến 10%/năm, đã làm mất tác dụng một phần của việc tăng lương.

Trong báo cáo hàng năm được công bố vào tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho là việc tăng lương ở châu Á vẫn rất bất bình đẳng. Chẳng hạn, lương chỉ tăng trong các lực lượng lao động được đào tạo nâng cao. Trong khi đa số nguồn lao động tại châu Á là lao động có tay nghề thấp. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục