Tăng mức đóng BHYT, giảm mức thanh toán trái tuyến

Theo Bộ Y tế, hiện nay dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã cơ bản hoàn thành, với nhiều nội dung và quy định về chính sách BHYT được đề xuất thay đổi. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất mức đóng hàng tháng của đối tượng tham gia BHYT tối đa bằng 6% mức lương, tiền công tháng, lương cơ sở (tăng gấp đôi so với mức đóng 3% hiện nay).

(SGGP). – Theo Bộ Y tế, hiện nay dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã cơ bản hoàn thành, với nhiều nội dung và quy định về chính sách BHYT được đề xuất thay đổi. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất mức đóng hàng tháng của đối tượng tham gia BHYT tối đa bằng 6% mức lương, tiền công tháng, lương cơ sở (tăng gấp đôi so với mức đóng 3% hiện nay).

Về phương thức đóng BHYT, hàng tháng, người sử dụng lao động trích tiền đóng BHYT của người lao động và người phụ thuộc từ tiền lương, tiền công của người lao động để nộp cùng một lúc vào Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất mức đóng BHYT của các thành viên trong hộ gia đình hoặc người phụ thuộc người lao động được giảm dần khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình hoặc người phụ thuộc người lao động tham gia BHYT.

Liên quan tới quy định mức thụ hưởng BHYT, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi theo hướng Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi. Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh đã cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục thuốc BHYT.

Một nội dung được đề nghị sửa đổi khác là mức thanh toán cho bệnh nhân tham gia BHYT khám chữa bệnh trái tuyến sẽ giảm khoảng 10% so với hiện nay. đề nghị 2 phương án thanh toán trái tuyến với bệnh nhân có thẻ BHYT. Phương án thứ nhất, BHYT thanh toán cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú trái tuyến. Với phương án này, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 60% trường hợp điều trị nội trú trái tuyến ở bệnh viện hạng III, IV hoặc chưa xếp hạng; thanh toán 40% đối với bệnh viện hạng II và thanh toán 20% đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Đối với khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến, Quỹ BHYT chỉ thanh toán 30% tại bệnh viện hạng III, IV hoặc chưa xếp hạng, 20% bệnh viện hạng II và 10% bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Phương án thứ hai là Quỹ BHYT chỉ thanh toán cho trường hợp điều trị nội trú trái tuyến. Còn khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không chi trả.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 4 năm Luật BHYT đi vào cuộc sống, cả nước hiện có khoảng 68% dân số tham gia BYTH. Tuy nhiên, người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn và phiền hà.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, đồng thời nhằm thu hút được nhiều người tham gia BHYT hơn nữa, cùng với việc Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật BHYT thì Thủ tướng Chính Phủ cũng vừa phê duyệt Đề án về thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đến năm 2015 phải đạt được 70% và đến năm 2020 phải đạt trên 80%. Đặc biệt, ngành y tế phải thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh.

NGUYỄN QUỐC

>> Triển khai khám chữa bệnh BHYT tại phường, xã - Người dân có quyền chọn nơi khám chữa bệnh  

Tin cùng chuyên mục