Tăng mức phạt để chặn hàng giả

Tại hội thảo: “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong doanh nghiệp” do Cục SHTT tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) kêu than vì bị nhái hàng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các cơ quan chức năng cũng nhìn nhận thị trường hiện có nhiều hàng hóa bị làm giả, từ lọ mỹ phẩm vài chục ngàn đồng đến chiếc điện thoại di động vài trăm triệu đồng. 

   

Chi cục Quản lý thị trường TPHCM bắt giữ một lô hàng gian, hàng giả Ảnh: THI HỒNG
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM bắt giữ một lô hàng gian, hàng giả Ảnh: THI HỒNG
Hàng giả Việt Nam chiếm đến 20,5%

Đây là con số thống kê của cơ quan chức năng được đưa ra tại hội thảo. Hàng gian, hàng giả có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị cho tới nông thôn với tất cả chủng loại hàng hóa. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại TPHCM cũng cho biết, những sản phẩm phổ biến thường bị làm giả trong nước là hàng tiêu dùng thiết yếu, điện máy, phụ tùng xe, quần áo, thời trang có giá thị trường đến cao cấp như dược phẩm, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón. Cùng với vấn nạn hàng gian, hàng giả là tình trạng vi phạm quyền SHTT, sản phẩm bị làm nhái, làm giả thương hiệu. Chính thực trạng này đã gây ra thiệt hại lớn cho các DN làm ăn chân chính và mang lại rủi ro cho người tiêu dùng cũng như gây ra bất ổn thị trường vì có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho biết DN ông đang rất lo ngại vì hàng giả, hàng nhái thương hiệu này có mặt khắp nơi. Các loại nón bảo hiểm nhái chất lượng không đảm bảo nhưng vẫn bán với giá thành bằng với Nón Sơn chính hiệu gây nhiều thiệt hại cho công ty. “Chúng tôi cùng phối hợp với các cơ quan chức năng đeo bám và phát hiện ra nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái nhưng có vụ việc khiếu nại kéo dài đến 2 năm chưa giải quyết xong vì thủ tục rườm rà, khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức. Có vụ việc các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt nhưng DN làm hàng nhái vẫn chấp nhận chịu phạt vì mức phạt không đủ răn đe và tiếp tục làm hàng giả để bán”, ông Tý bức xúc.

Tương tự, ông Phạm Lê Tuấn Nghĩa, đại diện nhãn hiệu PHINN café cũng bày tỏ: Để duy trì hoạt động đối với một DN khởi nghiệp đã rất gian nan và khó khăn nhưng gần đây, nhãn hiệu này bị một công ty cà phê lớn đang có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mà công ty ông đã đăng ký. “Hiện trên sản phẩm cà phê của DN đó có ghi dòng chữ “café PHINN” và hình ảnh tương tự với nhãn hiệu PHINN café mà công ty tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ. Thế nhưng, sản phẩm này vẫn đang được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị”, ông Nghĩa phản ánh. Lãnh đạo Công ty NGK Việt Nam (chuyên sản xuất sản phẩm bugi xe gắn máy) cũng cho biết, sản phẩm bugi của công ty ông không chỉ bị nhái sản phẩm và bày bán khá nhiều tại TPHCM và Hà Nội mà DN còn bị một DN khác nhái thương hiệu, dấu hiệu nhận diện công ty, thậm chí đồng phục của nhân viên cũng tương tự để sản xuất, kinh doanh bình ắc quy và đóng logo tương tự mà công ty đã đăng ký. 

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TPHCM nhìn nhận, hiện nay chỉ cần thương hiệu nào có tên tuổi thì ngay sau đó có hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Có những sản phẩm tưởng chừng rất khó bị làm giả như điện thoại thông minh (Smartphone) cũng bị làm giả. Hiện trên thị trường vẫn có những chiếc điện thoại di động hiệu Vertu được rao bán trên mạng giá 760.000 đồng/cái trong khi giá của sản phẩm thật là 860 triệu đồng. Tại đây, các cơ quan chức năng cũng nhận định, hàng hóa bị xâm phạm quyền SHTT mặc dù đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý liên tục, nhưng tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp.

Thống kê số liệu các vụ vi phạm từ các cơ quan chức năng cũng cho biết, từ năm 2014 đến tháng 10-2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm SHTT. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như: thuốc giả của VN Pharma, lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam của Khaisilk hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group… Theo các cơ quan chức năng, những vụ việc nổi cộm trên chỉ là “phần nổi”, thực tế số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn.

Xử lý mạnh để răn đe
 
Từ thực trạng trên, nhiều DN mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo vệ những DN làm ăn chân chính, để họ cảm thấy không cô đơn trong việc bảo vệ thương hiệu, chống nạn hàng gian, hàng nhái. Các DN cũng kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ nếu phát hiện cơ sở làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT nhằm tăng tính răn đe và kéo giảm vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành. 

Theo phản ánh của các đại biểu, hiện trên thị trường có nhiều loại mặt hàng bị làm giả với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các cơ quan chức năng rất khó xử lý các đối tượng vì không chứng minh được hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhất là hàng hóa chỉ là các chi tiết, chưa phải sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì thế, để chống hàng gian, hàng giả và xâm phạm quyền SHTT, cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều phía như: cơ quan chức năng, DN và cả người tiêu dùng cũng phải lên tiếng mạnh mẽ để các cơ quan ngành chức năng vào cuộc. Mặt khác, cần có biện pháp chế tài mạnh để người làm hàng giả phải cân nhắc. Về phía các DN cũng cần quan tâm đến đăng ký bảo hộ quyền SHTT để có cơ sở pháp lý bảo vệ hàng hóa của mình. 

Thực tế cho thấy, nếu có sự chung tay của DN thì nạn làm giả sẽ được đẩy lùi. Cụ thể, đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết, năm 2014 tỷ lệ hàng giả (bugi xe gắn máy) trên thị trường là khoảng 20%. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện các biện pháp chống hàng giả như kiểm tra, ghi nhận thông tin về hàng giả; tìm người bán, nơi bán và cách thức bán hàng giả; phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra xử lý hàng giả; tuyên truyền cảnh báo, giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật - hàng giả thì hiện tỷ lệ hàng giả giảm còn khoảng 15% .

Tin cùng chuyên mục