Doanh nghiệp bình ổn thị trường
Tháng 5-2013, lần đầu tiên Sở Công thương TPHCM chủ trì buổi ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) với 16 nhà cung cấp. Đây là chương trình mở đầu “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn” tại TPHCM. Cho đến nay, chương trình được triển khai rộng khắp, trong đó DN bình ổn thị trường đã trở thành lực lượng nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Công ty Vissan nuôi heo đạt chuẩn VietGAP chủ động tạo nguồn thịt sạch. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khép kín quy trình sản xuất
Cuối tháng 7-2016 vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức đợt đi thực tế, giám sát việc triển khai thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT) tại các trang trại của Công ty TNHH Ba Huân, đặt tại Bình Dương, Long An và TPHCM. Nhiều người trong đoàn công tác tỏ ra ngỡ ngàng vì quy mô chăn nuôi của Ba Huân không ngừng được mở rộng. Tại hầu hết trang trại đều được thực hiện theo mô hình chăn nuôi hiện đại, khép kín từ sản xuất thức ăn, đến trang trại gà bố mẹ, trại gà giống, trại gà đẻ trứng trên dây chuyền tự động, cho đến quy trình xử lý và đóng gói trứng.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết ngay từ ngày đầu thành lập, Ba Huân đã định hướng xây dựng, đầu tư công nghệ hiện đại và không ngừng cải tiến, đảm bảo tốt nhất quy trình chuỗi TPAT từ trang trại đến bàn ăn. Cụ thể, tại trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, quy mô 18ha, được thiết kế thành các khu trại gà bố mẹ với 30.000 con, trại gà hậu bị và gà đẻ có tổng đàn 1 triệu con, nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 20 tấn/giờ. Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Công ty Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, công suất 50 tấn/ngày; khu giết mổ gia cầm công suất 3.000 con/giờ và khu chế biến thực phẩm công suất 20 tấn/ngày. Cũng tại Long An, Công ty Ba Huân đã phát triển trang trại chăn nuôi gà thịt công nghệ cao, quy mô 20ha, tổng đàn 500.000 con. Riêng tại huyện Bình Chánh, TPHCM, có nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ. Theo ông Hùng, tất cả các trang trại, nhà máy của Công ty Ba Huân đều được kiểm soát và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP. Các trang trại chăn nuôi gia cầm được nuôi theo mô hình công nghệ cao và khép kín từ con giống, thức ăn, từ đó cho ra trứng đạt chất lượng tốt nhất. Hiện trứng gia cầm của Công ty Ba Huân chiếm khoảng 30% thị phần tại TPHCM.
Với Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc công ty, cho hay trong 3 năm qua, công ty đã không ngừng đầu tư để mở rộng trang trại, tăng tổng đàn tiến tới tự chủ về nguồn cung các loại trứng gia cầm, thay vì phải đi mua gom như trước. Theo đó, với trứng gà, hiện công ty đã tự cung ứng 100% sản lượng, nhưng trứng vịt mới tự chủ được hơn 50%, số còn lại là hợp tác với các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn cung cho công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư để phát triển thêm các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trứng gà ta, trứng gà ác, đầu tư dây chuyền để sản xuất các loại trứng ăn liền và hướng đến xuất khẩu… Theo ông Trương Vĩnh Thiện, việc tham gia chuỗi TPAT là điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp (DN) có thể phát triển bền vững.
Tăng liên kết, tạo nguồn hàng
Là một DN hàng đầu trong lĩnh vực giết mổ và cung ứng các loại thịt gia súc, giữa tháng 4-2016, Công ty cổ phần Vissan đã thực hiện cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Theo đó, tổng số lượng các điểm bán thịt tươi sống của VISSAN bao gồm 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và 146 điểm tại các chợ truyền thống. Tại các điểm bán này đều có bảng chỉ dẫn thịt heo VietGAP để người tiêu dùng nhận biết.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, hiện nguồn heo VietGAP được Vissan thu mua từ các trang trại đã được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các cơ quan chuyên môn. Tổng số lượng thịt heo VietGAP do Vissan cung ứng ra thị trường dự kiến trung bình 70 tấn/ngày, chiếm 100% lượng thịt heo Vissan bán trên thị trường. Toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đều được sự kiểm soát chặt chẽ của đơn vị chức năng, hơn nữa công ty còn tổ chức kiểm tra nhanh các chất cấm trong chăn nuôi, kiểm tra 100% lượng heo thu mua trước sự giám sát của cơ quan thú y.
|
Vissan đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Bản thân công ty cũng đã phát triển các trại chăn nuôi của chính mình và đã được công nhận chuỗi TPAT để có thể chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa như trại Gò Sao 1, Gò Sao Phú Giáo. Ngoài ra, Vissan cũng tăng cường đầu tư, hợp tác với nhiều đối tác như Công ty De Heus (Hà Lan), cũng như đã tạo động lực cho hàng trăm hộ chăn nuôi đang tham gia vào quá trình thực hành nông nghiệp tốt để đạt chứng nhận VietGAP. Theo tính toán của Vissan, hiện tại đã có 228 hộ chăn nuôi heo tham gia VietGAP, tăng 93 hộ so với lần đầu tiên Vissan công bố cung cấp thịt heo VietGAP vào ngày 7-12-2015.
Tương tự, Công ty TNHH Phạm Tôn, DN hiện chiếm khoảng 40% thị phần đối với mặt hàng thịt gia cầm của cả nước, đồng thời là đối tác cung ứng cho hầu hết thương hiệu thức ăn nhanh cũng đã thành công trong việc liên kết chăn nuôi “3 bên”. Theo bà Tôn Thanh Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Phạm Tôn, ngay từ khi thành lập, Phạm Tôn luôn quan tâm và coi trọng việc truyền thông minh bạch, rõ ràng về chất lượng sản phẩm, giá cả và chính sách dịch vụ khách hàng. Do vậy, ngay từ trại chăn nuôi đầu tiên đặt tại Đồng Nai và Bình Dương, Công ty Phạm Tôn đã đầu tư bài bản để từng bước hướng đến quy trình chăn nuôi, giết mổ khép kín từ “trang trại đến bàn ăn”. Sản phẩm của Phạm Tôn là một trong số ít DN trong ngành thịt gia cầm làm sẵn đạt chứng chỉ VietGAP nhãn xanh do Dự án FAPQDCP của Canada tài trợ phối hợp với các đơn vị chức năng chứng nhận về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cao an toàn.
Để đạt được những chứng chỉ quan trọng này, ngoài việc tự phát triển các trại chăn nuôi, năm 2013, Công ty Phạm Tôn đã thử nghiệm thành công mô hình liên kết 3 bên giữa HTX chăn nuôi Bình Hòa (đơn vị chăn nuôi) - Công ty CJ Việt Nam (cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi) và Công ty Phạm Tôn (là đơn vị ứng vốn và bao tiêu sản phẩm). Mô hình này đã khai thác triệt để thế mạnh của mỗi bên, nếu như người nông dân yên tâm chăn nuôi, sản phẩm được bao tiêu với giá cố định, thì đơn vị cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi cũng thiết lập được thị trường ổn định, trong khi đó đơn vị ứng vốn và bao tiêu sản phẩm có được nguồn hàng ổn định, chất lượng đảm bảo.
THÚY HẢI