Tăng sản lượng, phát triển nhiều điểm bán thịt và trứng gia cầm

Không lo thiếu hàng
Tăng sản lượng, phát triển nhiều điểm bán thịt và trứng gia cầm

Như thông lệ, vào đầu tháng 10 hàng năm, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường (BOTT) lại tất bật, lên kế hoạch sản xuất cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, do tết đến sớm, rơi vào ngày 28-1-2017 nên công tác triển khai hàng tết có phần khẩn trương hơn.

Dây chuyền giết mổ gà của Công ty Ba Huân đặt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: HẢI HÀ

Không lo thiếu hàng

Theo Sở Công thương TPHCM, vào trung tuần tháng 9 vừa qua, sở đã tiến hành họp với các DN để thông báo việc triển khai dự trữ nguồn hàng cung ứng cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Căn cứ vào sức mua trên thị trường trong tháng Tết Bính Thân 2016 cũng như khả năng cung ứng hàng hóa của từng DN, năm nay TPHCM dự kiến sẽ giao lượng hàng hóa phù hợp cho từng DN nhằm tránh tình trạng ứ đọng hàng, làm thâm dụng vốn.

Cụ thể, về sản lượng hàng hóa chuẩn bị tết vẫn tăng khá cao so với lượng hàng cung ứng cho các tháng thường và cả trong tháng tết nhưng lại giảm nhẹ so kết quả thực hiện trong dịp Tết Bính Thân. Tại Công ty TNHH Ba Huân, tết năm nay, thành phố giao cho Ba Huân chuẩn bị 18 triệu quả trứng gà, 12 triệu quả trứng vịt, 500 tấn thịt gà công nghiệp và 90 tấn thực phẩm chế biến. Trong khi đó, kết quả thực hiện của Ba Huân trong dịp tết năm ngoái là 21,72 triệu quả trứng gà, 12,69 triệu quả trứng vịt, 626 tấn thịt gà công nghiệp và 86 tấn thực phẩm chế biến. Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, mặc dù lượng hàng thành phố giao chỉ ở mức nêu trên nhưng do là DN BOTT nên công ty đã có kế hoạch lượng hàng chuẩn bị tới 20 triệu trứng gà, 13 triệu trứng vịt, 800 tấn thịt gà công nghiệp và 150 tấn thực phẩm chế biến. Với luợng hàng dự trữ chu đáo, Công ty Ba Huân sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thịt, trứng gia cầm và kể cả trường hợp có tăng đột biến trong dịp tết.

Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng được thành phố giao chuẩn bị 3,05 triệu quả trứng gà và 1,45 triệu trứng vịt. Tuy nhiên, theo ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, nếu sức mua tăng công ty có thể cung ứng lượng hàng lên gấp đôi so với số lượng thành phố giao nhờ lượng hàng chuẩn bị tương đối lớn gồm 5 triệu trứng gà và 2 triệu trứng vịt.

Đối với mặt hàng thịt gia cầm, bên cạnh Công ty Ba Huân, chương trình BOTT còn có Công ty TNHH San Hà và Công ty TNHH Phạm Tôn. Đây là 2 DN có số luợng thịt gia cầm rất lớn cung ứng cho chương trình. Cụ thể, tại Công ty San Hà, năm nay thành phố giao chuẩn bị 400 tấn thịt gà ta nguyên con, 1.890 tấn gà công nghiệp nguyên con, 600 tấn thịt gà thả vườn nguyên con, 550 tấn thịt vịt nguyên con và 920 tấn thịt gà công nghiệp pha lóc. Dựa trên lượng hàng thực hiện trong mùa tết năm trước, hiện Công ty San Hà có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng bình quân từ 30% - 50% so với kế hoạch thành phố giao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Tại nhiều DN khác cũng đã hoàn thành kế hoạch sản xuất và chuẩn bị hàng hóa tết.

Ổn định giá, tăng điểm bán

Vừa qua, tại buổi đi thực tế, kiểm tra tiến độ chuẩn bị hàng hóa tết, các DN khẳng định, công tác phát triển tổng đàn đang gặp nhiều thuận lợi nên nguồn cung hàng hóa tết rất dồi dào, phong phú. Các DN cam kết ổn định giữ giá trứng 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, đồng thời khuyến mãi giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết.

Từ việc tham gia chương trình BOTT trong nhiều năm liền nên đến nay DN đã tập trung phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi, nhà máy chế biến, tiến tới chủ động hoàn toàn về nguồn cung đối với một số mặt hàng, giảm thiểu tình trạng phải đi thu gom như trước đây. Đây cũng là cách để DN chủ động hơn trong việc ổn định giá cả. Theo ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, tham gia chương trình BOTT từ năm 2008, từ đó đến nay, công ty đã không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển về trang trại. Hiện Công ty Vĩnh Thành Đạt có 2 nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm đặt tại quận 12 (TPHCM) và tỉnh Sóc Trăng. Công ty cũng phát triển mạng lưới trang trại liên kết, thu mua trứng vịt tại miền Tây. So với Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty Ba Huân có một bề dày hơn 40 năm cung ứng trứng gia cầm nên về cơ sở vật chất cũng như khả năng cung ứng nguồn có phần vượt trội, gồm Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm Bình Chánh; Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm tại Đức Hoà, tỉnh Long An; Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm tại Hà Nội; Trang trại chăn nuôi gia cầm áp dụng công nghệ tự động và chế biến thức ăn tại Bình Dương quy mô 180 ha; chuỗi trang trại liên kết và trạm thu mua trứng vịt tại miền Tây…

Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng, công tác phát triển điểm bán cũng được các DN đặc biệt chú trọng. Theo kế hoạch, từ nay đến tết, Công ty  Ba Huân tăng lên 600 điểm bán hàng bình ổn, gồm 60 siêu thị và 540 cửa hàng tiện lợi. Mặt khác, công ty là đầu mối phối hợp với 12 DN bình ổn tổ chức 100 chuyến bán hàng lưu động tại vùng sâu, xa của thành phố. Tại thời điểm này, hàng ngày Công ty Ba Huân cũng đang thực hiện các chuyến xe lưu động, bán các sản phẩm của công ty tới người tiêu dùng ở nhiều địa bàn của thành phố. Đây vừa là cách đa dạng hóa đầu ra cho DN, vừa tiếp thị hàng hóa một cách hiệu quả đến người tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào các kênh phân phối hiện đại.

Với các sản phẩm của Công ty Vĩnh Thành Đạt hiện đang được phân phối tại 206 điểm bán hàng bình ổn. Kế hoạch đến Tết Đinh Dậu, công ty sẽ phát triển lên 220 điểm, trong đó có 51 siêu thị và 169 cửa hàng tiện lợi, tham gia thực hiện 12 chuyến bán hàng lưu động. Công ty Vĩnh Thành Đạt còn là đối tác sản xuất nhãn hàng riêng về trứng gia cầm cho Saigon Co.op. Công ty San Hà cũng có kế hoạch phát triển từ 188 điểm bán lên 208 điểm bán trong dịp tết năm nay, đồng thời tham gia 15 chuyến bán hàng lưu động.

Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển tổng đàn, điều khiến DN lo ngại chính là mức chiết khấu luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Theo các DN, hiện chỉ có Saigon Co.op có chế độ ưu tiên cho hàng bình ổn cũng như ổn định mức chiết khấu trong nhiều năm, chỉ dừng ở mức 3%, còn các hệ thống phân phối khác tăng theo hàng năm, thậm chí là hàng quý. Trên thực tế, sản xuất hàng bình ổn, đặc biệt là trứng gia cầm lợi nhuận rất thấp, nếu đối tác yêu cầu tăng chiết khấu cũng đồng nghĩa DN cung ứng phải cắt giảm đồng lời. Tại buổi làm việc với ngành công thương TPHCM, các DN đề nghị, các sở, ngành chức năng cần có ý kiến với các nhà phân phối nhằm ổn định mức chiết khấu giúp DN yên tâm hơn trong sản xuất.

Liên quan đến việc chuẩn bị hàng tết, Sở Công thương TPHCM cho rằng, tết năm nay đến rất sớm nên ngoài sản lượng hàng hóa thành phố giao thì các DN phải luôn trong tư thế chủ động nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân, cũng như có biện pháp ứng phó nhanh khi thị trường có biến động về giá. Cùng với việc tăng sản lượng, các DN cần duy trì tốt về chất lượng, về an toàn thực phẩm và cách thức cung ứng hàng hóa. Sở Công thương cũng khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, đa dạng hóa mặt hàng để đáp ứng cho thị trường, tiến đến xuất khẩu. Trong quá trình chuẩn bị hàng hóa, nếu DN gặp khó khăn, cần báo gấp cho sở để tìm cách giải quyết sớm.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục