Tăng sức cạnh tranh hàng Việt, cách nào?

Tại cuộc họp bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2016 vừa tổ chức tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng xuất khẩu chậm, đồng thời là mối lo ngại trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng cuối năm là do nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe với các mặt hàng nhập khẩu.

Tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - cũng đã đưa ra hàng loạt quy định mới. Đối với hàng dệt may, Hoa Kỳ yêu cầu không dùng lao động trẻ em; hàng nội thất phải đảm bảo nguyên liệu gỗ không ảnh hưởng đến môi trường, không phải là gỗ do chặt phá rừng, mức độ sử dụng hóa chất nằm trong giới hạn cho phép để không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng… Ở mặt hàng tôn, thép đang đối mặt với nguy cơ kiện chống bán phá giá tại nhiều nước. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho hay hiện các DN cùng Hiệp hội Thép Việt Nam đã giải quyết xong vấn đề chống bán phá giá tại thị trường Australia và đã xuất khẩu trở lại. Nhưng điều khiến ông Vũ lo lắng là đến năm 2018-2019,  Hoa Kỳ cũng sẽ khởi kiện chống bán phá giá sản phẩm tôn thép của các DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.

Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến ngày 1-1-2016, số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài lên tới 96 vụ, trong đó 72 vụ chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 17 vụ tự vệ. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM là 53 vụ. Theo dự báo, sắp tới đây nhiều quốc gia còn sử dụng hàng rào liên quan đến phần mềm. Bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nào cũng phải sử dụng những phần mềm có bản quyền. Trường hợp DN không đáp ứng được yêu cầu trên, các nhà nhập khẩu sẽ từ chối ngay từ đầu.

Trong bối cảnh hàng rào thuế quan ngày càng giảm, các quốc gia đã không ngừng dựng lên các rào cản kỹ thuật mới để bảo vệ sản xuất trong nước, thì ở Việt Nam DN vẫn còn thờ ơ khi sử dụng các biện pháp PVTM. Tính đến nay, sau 10 năm ban hành các điều luật liên quan đến PVTM, Việt Nam mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ, trong đó áp thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng (gồm dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép và thép dài) 2 vụ việc chống bán phá giá, đã áp thuế 1 mặt hàng là thép không gỉ cán nguội và đang trong giai đoạn điều tra đối với thép tôn mạ. Việt Nam chưa điều tra vụ việc chống trợ cấp. Một số mặt hàng đã được tiến hành nhưng đành bỏ ngỏ vì nhiều lý do, điển hình như mặt hàng đùi gà, trứng gia cầm…

Kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng rất đáng lo ngại. Hiện mới chỉ có 1,89% DN tìm hiểu tương đối kỹ về PVTM; 15,9% DN không hiểu; 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ. Đặc biệt, có đến 41% DN cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện PVTM.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng và DN bắt tay nhau triển khai, thực thi mạnh mẽ các điều luật liên quan đến PVTM để chuẩn bị tốt hơn các phương án đối phó các vụ kiện đối với hàng Việt Nam xuất khẩu. Từ nhiều năm qua, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã hình thành công cụ cảnh báo sớm về PVTM đối với nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Do vậy, các DN nên khai thác tốt hơn công cụ này để chuyển hướng thị trường xuất khẩu kịp thời, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, nhằm giảm thiểu mức thiệt hại thấp nhất khi xảy ra vụ kiện.

Ở thị trường trong nước cũng nên tiến hành thu thập thông tin đối với các mặt hàng nhập khẩu, cạnh tranh thiếu lành mạnh để áp dụng các biện pháp PVTM, bảo vệ sản xuất trong nước. Theo Bộ Công thương, một trong những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm là sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát các biện pháp của các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; danh mục các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đã được các nước cho phép và chưa cho phép nhập khẩu; từ đó nhận diện và tập trung tháo gỡ các rào cản. Mặt khác, bộ sẽ đẩy nhanh đàm phán, thống nhất ký kết các bản thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu cũng như tăng cường hợp tác cấp kỹ thuật với các nước để dỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan đối với nhóm hàng này, mở ra khả năng xuất khẩu cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Tiến trình hội nhập, đặc biệt là việc tham gia các hiệp định thế hệ mới như TPP hay hiệp định Việt Nam - EU sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nếu DN không tự trang bị kiến thức cho chính mình, đồng thời có sự phối kết chặt chẽ với nhau, chắn chắn sẽ khó có thể ra biển lớn. Sân chơi thương mại trong hội nhập là sòng phẳng “mạnh được, yếu thua”, hoàn toàn không có sự nhân nhượng.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục