Ngày 11-7, tại buổi thảo luận ở hội trường, nhiều Đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM bày tỏ sự quan tâm và nêu bức xúc lớn đối với tình trạng thiếu ý thức, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng tình trạng ngập úng trên địa bàn TPHCM.
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú (quận Bình Thạnh) bày tỏ xúc động trước hình ảnh công nhân thoát nước đô thị phải làm việc trong môi trường độc hại, ngập ngụa rác thải. Điều này cũng cho thấy, nguyên nhân gây ngập nước có phần do ý thức của người dân. Họ xả rác bừa bãi, vứt rác thải xuống cống đã ngăn dòng thoát nước.
Do đó, chúng ta phải tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân; đồng thời nghiêm khắc xử phạt những trường hợp vi phạm nhằm thay đổi ý thức người dân.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng dẫn lại hình ảnh những công nhân thoát nước làm công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước phải làm việc trong môi trường tối tăm, bẩn thỉu.
“Cái chính là cư dân TPHCM đã góp phần vào nỗi cực nhọc đó của những công nhân ấy”, ĐB Trâm phân tích và khẳng định, chung quy là do ý thức người dân.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, tình trạng vô ý thức này nếu người dân có lỗi 1 phần thì cơ quan quản lý lỗi đến 10. Quản lý Nhà nước đóng vai trò quyết định nên cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và có biện pháp hiệu quả hơn.
Cho rằng lâu nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt chưa nghiêm đối với người cố tình vứt rác bừa bãi, ĐB Trâm còn bày tỏ: “Tôi có cảm giác chúng ta làm như phong trào nên không thể xây dựng, nâng cao ý thức của người dân”. Do đó, chính quyền TPHCM cần tổ chức phân loại rác tại nguồn, thực hiện giải pháp nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời xem xét, điều chỉnh thu nhập đối với những công nhân trực tiếp “dấn thân” vào làm công việc duy tu, nạo vét cống.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (quận 9) cũng bày tỏ sự quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị. Thực tế, vấn đề này đã được đề cập từ lâu song vì sao vẫn kéo dài, không tạo sự chuyển biến về hình ảnh TPHCM văn minh sạch đẹp.
“Mong mỏi của cử tri là sự chuyển biến thực sự, chứ không phải chỉ là phát biểu trong các cuộc họp”, ĐB Khuê nhấn mạnh. Cụ thể hơn, ĐB Khuê cho rằng cần tạo ra một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn nhằm chuyển biến rõ rệt ý thức người dân TP. Bởi nếu không có biện pháp chế tài mạnh mẽ thì tiếp tục dừng ở chỗ… bàn luận!
Dẫn chứng nhiều thực tế cụ thể, ở những nơi có tổ chức các hoạt động, sự kiện thì y như rằng sau khi kết thúc là nơi đó “gần như một đường rác ngập ngụa”. Nhiều công nhân vệ sinh phải làm việc cật lực, đến gần 4 giờ sáng mới thu gom xong số rác đó. Tương tự, tại quận 2 (khu vực hầm Thủ Thiêm), cứ sau mỗi lần bắn pháo hoa thì “hình thành” bãi rác kinh khủng.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận trách nhiệm trong việc tham mưu UBND TP xử lý rác nơi công cộng.
Theo ông Thắng, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TPHCM hiện nay mỗi năm tăng khoảng 6%. Ước tính đến năm 2020, mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt.
Trong đó, hiện nay lượng rác công cộng mỗi ngày thải ra trên địa bàn TPHCM khoảng 2.000 tấn. Nếu chúng không được thu gom, xử lý kịp thời thì đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường; đồng thời trôi xuống cống làm tắc nghẽn.
Về giải pháp, người đứng đầu ngành TN-MT TPHCM khẳng định, bên cạnh việc vận động tuyên truyền, giải thích cho người dân thì phải có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Liên quan đến chế tài đã có quy định cụ thể hành vi xả rác với mức phạt tối đa đến 700.000 đồng. Hiện nay, mức phạt đã tăng cao với mức tối đa lên đến 7 triệu đồng. Cùng với đó, thẩm quyền xử phạt được mở rộng từ đến cấp phường.
Tuy nhiên, điều quan trọng để xử lý thì phải gắn kết với hệ thống camera, để căn cứ vào đó mà xác lập hành vi vi phạm. “Trong giai đoạn này, chúng tôi thấy rằng có những vấn đề xử lý chưa tốt”, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận và xin tiếp thu các ý kiến góp ý của các ĐB để có giải pháp, tham mưu UBND TP.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng khẳng định, nếu không tập trung vào việc xử phạt thì khó thể nâng cao ý thức người dân. Một trong những giải pháp được tính đến là việc có thể xin cơ chế, lực lượng xử lý có thẩm quyền rộng hơn.
“Chúng tôi hiểu rằng việc xử lý rác, giảm rác cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị và được người dân ủng hộ”, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh và cam kết đến năm 2020 sẽ tạo được sự chuyển biến trong công tác này.
"Tôi thống nhất với việc thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác và đẩy mạnh việc xử phạt đối với các hành vi xả rác nơi công cộng", Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng bày tỏ.
Ở góc độ tài chính, có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt để chi cho hoạt động của lực lượng xử phạt. Thậm chí, nếu thiếu thì đề nghị HĐND TP tính toán có thêm nguồn kinh phí khác cho lực lượng xử phạt, xử phạt thật nghiêm để thay đổi hành vi của người dân.
Mỗi năm TP chi 700 tỷ đồng để quét rác
Theo Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, mỗi năm, TPHCM chi cho duy tu hệ thống thoát nước là 1.132 tỷ đồng và 2.848 tỷ đồng cho xử lý rác. Trong đó có 700 tỷ đồng chi cho quét rác; 535 tỷ đồng để vận chuyển; 88 tỷ đồng để phân loại rác và khâu xử lý là hơn 1.507 tỷ đồng. Như vậy, một năm TPHCM dành gần 4.000 tỷ đồng cho vấn đề rác thải.
Thu nhập bình quân của người lao động công ty thoát nước là 12,6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng lương là 9,9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mặt bằng lương chung của 50 công ty nhà nước.