Thông tin tại một hội thảo mới đây cho biết, một gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình đang được các cơ quan chức năng xem xét. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để phục hồi thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2014. Trong khi đó, đã có một số ý kiến đề nghị khoanh nợ cho BĐS để cứu thị trường. Liệu các giải pháp này có thực sự giúp phục hồi nền kinh tế, hay chỉ là những bước đi mạo hiểm?
Thêm gói tín dụng 100.000 tỷ đồng?
Tại một cuộc hội thảo vừa tổ chức ở TPHCM, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tính tới việc cho phép 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Buildbank) thực hiện một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình.
Mặt khác, hiện Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng và NHNN sửa đổi lại một số quy định của gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Quy định mới có thể được thay đổi theo hướng bỏ tên “nhà ở xã hội” để mở rộng nguồn cung cho thị trường; thời hạn cho vay có thể kéo dài lên 15 năm thay vì tối đa 10 năm như quy định hiện nay; lãi suất có thể giảm mạnh hơn thay vì mức 5%/năm...
Trước đó, đề nghị của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà về việc cho phép khoanh nợ đối với những khoản vay BĐS được khá nhiều người quan tâm. Cụ thể, ông Trần Bắc Hà đã đề xuất một số giải pháp nhằm giải cứu thị trường BĐS. Trong đó, cần tiếp tục khoanh nợ đối với những dự án tốt, cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) căn cứ vào năng lực tài chính của mình xem xét khoanh nợ từ 1 - 3 năm đối với một số dự án khó khăn khi thị trường phát triển tốt thì tiếp tục triển khai nhằm giảm áp lực về nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, tăng nguồn vốn xử lý nợ xấu của Công ty VAMC, cân nhắc khả năng cho phép VAMC được trực tiếp đầu tư, hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang bị dừng/hoãn tiến độ do thiếu vốn. Mặt khác, có cơ chế khuyến khích các NHTM mua lại tài sản bảo đảm là BĐS trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm...
Cân nhắc kỹ
Những thông tin trên được thị trường đón nhận khá hồ hởi bởi nếu xét sâu xa tình trạng suy giảm tổng cầu của nền kinh tế trong 2 năm qua có nguyên nhân lớn là từ thị trường BĐS. Nay nếu thực hiện đồng thời cả 2 việc là tăng nguồn vốn và khoanh nợ cho những khoản vay BĐS, theo lý thuyết thị trường BĐS sẽ được khai thông và có tác động lan tỏa tới một số lĩnh vực kinh tế khác. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại đây là bước đi khá mạo hiểm và bài toán lợi ích từ các giải pháp này cần được cân nhắc kỹ.
Còn nhớ trong giai đoạn 2009 - 2012, lo lắng trước tình trạng phát triển dạng “bong bóng” của BĐS, Chính phủ và NHNN nước đã đưa ra chủ trương hạn chế tín dụng cho thị trường này. Tới năm 2013, khi thị trường BĐS rơi vào tình trạng “đóng băng”, tín dụng cho BĐS chỉ được “hé mở”, và trực tiếp nhất là gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho tới nay thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện bởi việc giải ngân của gói tín dụng này khá chậm chạp.
Cũng cần lưu ý rằng trong 3 năm qua và cả năm 2014, chủ trương của NHNN là tập trung vốn vào 5 lĩnh vực là: nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghệ cao. Đây là những lĩnh vực được ưu tiên tín dụng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, còn việc khai thông lại vốn cho BĐS chỉ mang tính chất là giải cứu tạm thời. Nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn đang ì ạch, liệu việc đưa thêm gói 100.000 tỷ đồng có cần thiết hay không?
Trên thực tế, dù thị trường BĐS “đóng băng” nhưng giá nhà đất vẫn chưa giảm tới mức phù hợp với nhu cầu của người chưa có nhà ở. Nay nếu bơm thêm tiền cho BĐS, có khả năng giá nhà đất sẽ tăng lên thì bài toán hài hòa cung - cầu của thị trường sẽ giải quyết bằng cách nào?
Nhiều ý kiến cho rằng việc cần làm trước mắt là sớm sửa đổi các quy định của gói 30.000 tỷ đồng cho hợp lý hơn để phát huy hiệu quả của gói này, thay vì tiếp tục đưa thêm một gói tín dụng mới. Việc bơm tiền thêm cho BĐS có thể giải cứu được cho các nhà đầu tư đang “mắc kẹt” ở thị trường này, nhưng chưa hẳn đã có lợi cho việc phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh. Hơn nữa, áp lực lạm phát tăng trở lại trong năm 2014 còn rất lớn, việc bơm thêm tiền cho thị trường BĐS sẽ làm mục tiêu ổn định vĩ mô trở nên khó khăn hơn.
Về khoanh nợ cho BĐS, có khá nhiều ý kiến đồng tình. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, có thể ngân hàng phải tính tới giải pháp cho khoanh nợ để chờ thị trường hồi phục, nhưng đây cũng chỉ là “giải pháp bất đắc dĩ”. Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đề nghị: “Chỉ nên khoanh nợ với điều kiện doanh nghiệp có khả năng phục hồi, và đã khoanh thì phải khoanh tất cả tài sản thế chấp và những tài sản phục vụ món nợ đó. Còn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì khai tử luôn”.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cảnh báo, việc khoanh nợ BĐS có thể đem đến rủi ro cho ngân hàng. Bởi nếu ngân hàng không sàng lọc tốt, việc khoanh nợ có thể dẫn đến nợ xấu trong lĩnh vực BĐS tăng lên. Điều này không chỉ ngành ngân hàng thiệt mà ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Chính bởi vậy, vấn đề khoanh nợ đối với BĐS cũng cần phải rất thận trọng
Bảo Minh