Tăng tính khả thi cho các dự án luật

Ngày 9-11, thảo luận tại tổ về các dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ quan tâm cao đến tính khả thi của cả hai dự án luật.
Tăng tính khả thi cho các dự án luật

Ngày 9-11, thảo luận tại tổ về các dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ quan tâm cao đến tính khả thi của cả hai dự án luật.

Cẩn thận kẻo DN không muốn lớn!

Liên quan đến dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) đặt câu hỏi, luật này có quy định hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể hay không. “Luật Doanh nghiệp đã công nhận hộ kinh doanh cá thể là một loại hình DN, nhưng chưa trao cho họ địa vị pháp lý. Tôi cho rằng nên tính toán hỗ trợ cả hộ kinh doanh cá thể, họ đang góp phần giải quyết một lượng rất lớn lao động”.

Ghi nhận ý nghĩa lớn của Luật Hỗ trợ DNNVV đối với cộng đồng doanh nhân, ĐB Lâm Đình Thắng (TPHCM) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu kỹ lưỡng, chuẩn bị và hoàn thiện nghị định hướng dẫn để ban hành đồng thời tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Luật cũng cần có cơ chế để DN có quyền khiếu nại tố cáo chứ không chỉ “đề xuất, phản ánh” khi xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động hỗ trợ DN. Một khiếm khuyết nữa là dự luật chưa có cơ chế phòng ngừa và chế tài xử lý các tổ chức trung gian trục lợi.

Thẳng thắn nhận xét rằng các mục tiêu trong luật còn mang tính nghị quyết, chưa cụ thể, ĐB Lâm Đình Thắng đề nghị thống nhất đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin, “cơ chế hỗ trợ chỉ cần công bố minh bạch trên cổng thông tin của quốc gia và địa phương là được”. ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) phản ánh rằng, số lượng DN sử dụng đông lao động nữ hoặc do phụ nữ làm chủ khá lớn, luật đã có chính sách ưu tiên, “nhưng thủ tục để hưởng chính sách ưu tiên nhiêu khê quá, nhiều DN đành bỏ”.

Đại biểu Quốc hội TPHCM Lâm Đình Thắng thảo luận tại tổ

Xem xét vấn đề từ khía cạnh cân đối ngân sách quốc gia, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị đánh giá tác động của dự án luật này đối với nguồn thu ngân sách, đặc biệt khi ngân sách hiện đang gặp khó khăn. “Chúng ta đưa nhiều hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, cung cấp thông tin…, tất cả những hỗ trợ này đều “quy ra tiền”. Trong khi đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) lưu ý: “Tôi đi cơ sở, nhiều DN cho biết, họ chỉ cần chính sách minh bạch, không bị “hành” là lý tưởng lắm rồi. Theo đại biểu, chính sách hỗ trợ hộ nghèo là rất nhân văn nhưng khi đi kiểm tra thì thấy có những người gia đình khá giả nhưng vẫn nhận hỗ trợ. Điều tương tự có thể xảy ra: nếu chính sách hỗ trợ DNNVV không được tính toán cẩn thận sẽ khiến DN “không muốn lớn”.

Quy hoạch quốc gia phải do Quốc hội phê duyệt

Góp ý về dự án Luật Quy hoạch, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lưu ý, luật cần đảm bảo tính đồng bộ với Luật Quy hoạch đô thị 2009. “Quy hoạch phải phù hợp với khả năng tài chính thì mới hiện thực hóa được. Vừa qua, quá nhiều quy hoạch vượt khả năng chịu đựng của nền kinh tế, trở thành quy hoạch treo”. Theo đại biểu, đây cũng chính là lý do cử tri TPHCM đề nghị xóa bỏ nhiều quy hoạch “treo” đã nhiều năm, giúp người dân ổn định cuộc sống, giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế… ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh: “Kinh phí cho hoạt động quy hoạch phải do ngân sách quốc gia chi trả, không nên để các cá nhân, tổ chức tài trợ để đảm bảo tính khách quan”. Về thẩm quyền quy hoạch, các quy hoạch quy mô quốc gia phải do Quốc hội phê duyệt; quy hoạch liên vùng thì thẩm quyền thuộc về Chính phủ; quy hoạch địa phương do HĐND phê duyệt. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đồng tình: “Đối với quy hoạch quốc gia, Chính phủ phải báo cáo để Quốc hội quyết định, để ĐBQH được biết, được tham gia ý kiến, tránh tình trạng tự quyết, tự bổ sung, thay đổi”.

Cũng hướng đến mục tiêu đảm bảo tính khoa học, khách quan của quy hoạch, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, quy trình bổ sung, thay đổi quy hoạch ở địa phương cần phải rất chặt chẽ để không tạo ra kẽ hở cho tham nhũng. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) thì lưu ý đến nội dung tham vấn cộng đồng khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch. “Nội dung này chưa cụ thể; cách làm còn hình thức; mới chỉ là một bước để hoàn chỉnh hồ sơ, chứ chưa thực chất. Người dân có ý kiến thì sẽ được tiếp thu thế nào? Thời gian gửi xin ý kiến trong bao lâu, cách trình bày quy hoạch như thế nào để người dân hiểu được và có thể góp ý”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu vấn đề. Đại biểu cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu để làm quy hoạch là yếu tố rất quan trọng và yêu cầu Chính phủ “chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nền”. Thông tin hiện nay chưa đủ độ tin cậy, “nhảy múa vô cùng”. Đội ngũ tư vấn làm quy hoạch cũng chưa mạnh, ngay cả tại TPHCM; thể hiện qua chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi và ý tưởng đột phá.

ANH THƯ - HÀ MY

Nợ công hàng năm không quá 65% GDP

Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua sáng 9-11 với tỷ lệ tán thành cao (86,64% tổng số ĐBQH). Nghị quyết nêu rõ yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công với mục tiêu: nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

Một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng được Quốc hội quyết định tại nghị quyết vừa được thông qua. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 6.864 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 ngàn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25% - 26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục