9 tháng đầu năm 2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM đã giải ngân gần 180.000 tỷ đồng cho gần 19.200 khách hàng thông qua Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH-DN). Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối với mục tiêu tổng dư nợ tín dụng giải ngân cho riêng chương trình này lên đến 250.000 tỷ đồng.
Cần giảm lãi suất trung và dài hạn
Báo cáo từ NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, sau 4 năm thực hiện, Chương trình kết nối NH-DN trên địa bàn TPHCM đã hỗ trợ cho vay gần 26.000 khách hàng với tổng số tiền giải ngân của chương trình đạt hơn 405.000 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, số tiền giải ngân đạt gần 180.000 tỷ đồng, chiếm 44% so với tổng số tiền đã giải ngân trong 4 năm qua. Với ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ cho DN, chương trình này đã hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho hàng chục ngàn DN tại TP duy trì, ổn định, phục hồi và tăng trưởng, trở hành mô hình điểm được triển khai rộng khắp trên cả nước và hiện nay là một chương trình hành động của Chính phủ để hỗ trợ và phát triển DN. Nguồn vốn của chương trình này chủ yếu dành cho sản xuất - kinh doanh, lãi suất trong khoảng 7% - 8%/năm.
Ngân hàng Vietinbank ký kết gần 33.000 tỷ đồng cho 104 DN vay trong ngày 10-10. Ảnh: HUY ANH
Mặc dù vậy, không ít DN cho rằng cần phải hạ lãi suất trung và dài hạn vì thực tế thời gian qua, không phải DN nào cũng có khả năng tiếp cận với nguồn vốn của chương trình. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Nam Thái Sơn, cho rằng, so với những năm trước đây, hiện các ngân hàng đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng để cung ứng vốn, chủ động đồng hành và chia sẻ khó khăn với DN để tìm ra giải pháp tốt nhất. Mặc dù vậy, sự cải thiện mới chỉ thể hiện đối với lãi suất cho vay ngắn hạn, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn như hiện nay vẫn đang là rào cản đối với các DN cần vốn. “Để có thể triển khai và phát triển được các dự án mới, DN cần nguồn vốn dài hạn hơn là ngắn hạn, vì vậy ngân hàng cần xem xét lại chính sách lãi suất trung - dài hạn để hỗ trợ hơn cho DN”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho hay.
Ông Huỳnh Văn Minh cũng nhìn nhận, trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, các DN không thể thiếu sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Chính vì thế, việc TP đẩy mạnh chương trình này cũng đã tác động rất tích cực thông qua các hoạt động kết nối giữa NH và DN trong thời gian qua, không chỉ DN được tạo điều kiện, mà ngân hàng cũng được hưởng lợi vì dư nợ tín dụng cải thiện. “Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn của DN còn cao, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn cần được điều chỉnh giảm thêm”, ông Minh đề nghị.
Khơi thông dòng chảy tín dụng
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2016 vẫn còn chậm, chỉ ở mức chưa đến 12% so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2016 là 18% - 20%, thời gian qua, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh Chương trình kết nối NH-DN nhằm khơi thông dòng chảy vốn trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay. Mới đây, 21 chi nhánh của Ngân hàng Vietinbank trên địa bàn TPHCM đã ký hợp đồng hỗ trợ tín dụng với 104 khách hàng với tổng giá trị gần 33.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ưu đãi ở từ 6% - 9%/năm tuỳ kỳ hạn. Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank cho biết, tính đến ngày 31-8-2016, các chi nhánh VietinBank trên địa bàn TPHCM đã đạt doanh số cho vay của chương trình này là 250.000 tỷ đồng cho trên 2.000 lượt khách hàng vay. Đến nay, các chi nhánh của Vietinbank tại TPHCM đã giải ngân được trên 95.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank cho hay, tính luôn gói ký kết gần 33.000 tỷ đồng này, dự kiến doanh số giải ngân từ đây đến cuối năm của Vietinbank sẽ đạt trên 100.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đăng ký của Vietinbank trong năm 2016 là 90.000 tỷ đồng. Với dư nợ và doanh số giải ngân trên, Vietinbank là ngân hàng đứng đầu trong số các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này.
Để thu hút thêm nhiều ngân hàng tham gia chương trình, thời gian qua, NHNN chi nhánh TPHCM đã tổ chức có buổi làm việc với một số ngân hàng chưa tham gia chương trình với lãnh đạo UBND một số quận, huyện về việc triển khai chương trình kết nối, tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng vừa tham gia và dành gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn 3 quận và cam kết đồng hành lâu dài với chương trình này. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho hay, từ nay đến cuối năm, cơ quan này sẽ phối hợp Sở Công thương TP và các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh kết nối để khơi thông dòng vốn. Để tăng tốc kết nối NH-DN, đưa vốn ra thị trường, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trọng tâm hoạt động trong các tháng cuối năm là tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình năm 2016 đã đề ra như: tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động; đổi mới mô hình giao dịch, giảm chi phí đầu vào để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; tiếp tục các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN… Tuy nhiên, theo ông Lâm, để thực hiện có hiệu quả và tiếp tục phát huy vài trò, ý nghĩa của chương trình cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ngành, quận, huyện và các hiệp hội ngành nghề.
Ngoài ra, để hỗ trợ vốn dịp cuối năm, các ngân hàng còn triển khai chương trình cho vay bình ổn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong mảng lương thực - thực phẩm thiết yếu… với lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,15% - 6,5%/năm tùy từng mặt hàng. Trong thời gian tới, các ngân hàng còn đăng ký cho vay bình ổn trong chuỗi cung ứng, nhằm khuyến khích các DN tăng cường đổi mới công nghệ và phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, an toàn với sức khỏe, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, tiết kiệm chi phí vận chuyển, cũng như tạo sự liên kết với các vùng nguyên liệu giá rẻ, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành.
MINH HUY