Từ ngày 24 đến 27-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm châu Âu trong chuyến công du đầu tiên năm 2014 để vận động đẩy mạnh cô lập Nga liên quan tới việc Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, EU vẫn chần chừ vì còn nhiều vướng mắc với Nga về kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế của khối chưa khả quan.
Mỹ “phi nước đại”
Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng, bà Susan Rice cho biết, trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ có các chặng dừng chân tại Bỉ, Hà Lan, Italia, Vatican và dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels. Chủ đề nổi bật trong chuyến thăm là thảo luận và thống nhất với các đồng minh về những biện pháp tiếp theo trong quan hệ với Nga liên quan tới tình hình Ukraine. Bà Susan Rice cho biết, mục đích các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine của ông Obama với các đồng minh là giải pháp không để cho tình hình leo thang hơn nữa và thống nhất thêm các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Nga.
Ngày 21-3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã trình dự luật viện trợ cho Ukraine, song không bao gồm những điều khoản về cải cách theo quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đáp ứng yêu cầu của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Dự luật có tên gọi “Đạo luật viện trợ Ukraine”, cho phép Mỹ viện trợ cho chính quyền lâm thời Ukraine 50 triệu USD, ngoài ra còn cho phép Tổng thống B.Obama có thể sử dụng tới 8 triệu USD trong quỹ đối phó với những sự kiện bất ngờ để viện trợ cho Ukraine. Dự luật của Hạ viện cũng kêu gọi chính quyền Washington áp đặt trừng phạt đối với cả những cá nhân ở trong và ngoài Nga có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Nga. Dự luật viện trợ Ukraine của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tương tự như khoản bảo lãnh tín dụng 1 tỷ USD cho Ukraine vay của IMF được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng 3 này.
Trong khi đó, theo Reuters, Lầu Năm Góc đang xem xét việc ngừng sử dụng các động cơ tên lửa của Nga để phóng vệ tinh quân sự của Mỹ. Nhưng theo thông tin do người phát ngôn Lầu Năm Góc Maureen Schumann đưa ra, hiện nay lượng động cơ tên lửa do Nga sản xuất trong kho dự trữ của Mỹ đủ phục vụ cho các hoạt động quân sự trong hai năm. Nếu tên lửa Altas V ngưng sử dụng động cơ do Nga sản xuất, Mỹ sẽ tốn hàng tỷ USD và mất khoảng 5 năm để tìm động cơ thay thế. Động cơ tên lửa RD 180 được quân đội Mỹ sử dụng cho việc vận hành tên lửa Altas V từ năm 1995. Cùng ngày, các nhà lập pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Lầu Năm Góc hủy hợp đồng mua trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất do những diễn biến căng thẳng tại Ukraine.
EU “chạy nước kiệu”
Vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án hành động của Nga tại Ukraine. Trong nghị quyết này, họ thúc giục Nhà Trắng phải loại Nga ra khỏi khối G8 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italia, Nhật Bản, Nga) và áp đặt các lệnh trừng phạt. Song, đến quá nửa G8 là các quốc gia đến từ EU và còn vướng mắc về kinh tế với Nga.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron trong buổi họp với quốc hội ở London đã nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận kỹ về việc trục xuất Nga vĩnh viễn khỏi G8…”. Sự thận trọng này của nước Anh nhằm giảm thiệt hại trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa khả quan. Anh không muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính mà Pháp đề xuất vì nó có tác động xấu đến London.
Trong lúc này, Pháp lại muốn tránh các biện pháp trừng phạt liên quan đến quân sự bởi hiện tại, Pháp và Nga đang có hợp đồng quốc phòng trị giá lên đến 1 tỷ EUR.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng lên tiếng ủng hộ việc đình chỉ Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra tại Nga vào tháng sáu tới, nhưng bà không đồng ý trục xuất Nga khỏi tổ chức này. Đức và Italia đều phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Tại Canada, báo chí nước này ngày 21-3 đưa tin nhà sản xuất máy bay Bombardier của Canada có nguy cơ đối mặt với việc mất các thương vụ tiềm năng với Nga trong bối cảnh nước này và các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Sự đối đầu hiện nay giữa phương Tây và Nga đã gây trở ngại đột xuất cho các cuộc thương lượng bán khoảng 100 máy bay Q400 Turboprop trị giá 3,4 tỷ USD mà Bombardier đã ký với Công ty Rostec của Nga.
VIỆT ANH (tổng hợp)
>> Nga hoàn tất tiến trình sáp nhập Crimea