
Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng thiết yếu luôn được lãnh đạo TPHCM quan tâm hàng đầu. Năm 2015, dự báo tình hình kinh tế sẽ có tốc độ phát triển cao hơn năm 2014, khả năng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, lãi suất cho vay và lạm phát duy trì ở mức thấp, tỷ giá tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của người dân, những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, TPHCM tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai CTBOTT các mặt hàng thiết yếu năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 theo hướng tăng vốn và đa dạng hình thức và giảm lãi suất.
Theo thông tin từ NHNN chi nhánh TPHCM, trong khi CTBOTT năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 có 8 ngân hàng tham gia chương trình đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện bình ổn là 8.300 tỷ đồng, thì trong năm 2015, có đến 10 ngân hàng đăng ký tham gia, tăng 2 ngân hàng so với năm 2014 với tổng hạn mức tín dụng đăng ký là 10.850 tỷ đồng, tăng 2.550 tỷ đồng (tăng tương đương 30%) so với năm 2014. Ngoài ra, lãi suất của chương trình trong năm 2015 cũng giảm từ 0,5% - 2% so với năm 2014; đồng thời bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nâng tổng số lên 4 gói tín dụng. Cụ thể: 5.400 tỷ đồng cho DN trong Chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5% - 6%/năm (giảm 1% - 2%); 2.650 tỷ đồng cho DN chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 6,5% - 8,5%/năm (giảm 0,5% - 1%); 1.900 tỷ đồng cho DN trong Chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư chuồng trại, cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối; lãi suất từ 7% - 10%/năm (giảm 1%); bổ sung gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn mức 900 tỷ đồng, lãi suất từ 2% - 4%/năm.

Dây chuyền phân loại, đóng gói cà chua tại một doanh nghiệp cung ứng cho Chương trình Bình ổn thị trường tại TPHCM.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, CTBOTT năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 không sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho DN tham gia chương trình, tiếp tục thực hiện xã hội hóa thông qua hình thức kết nối các DN sản xuất, kinh doanh với ngân hàng tham gia chương trình. DN tham gia chương trình vay vốn tại các ngân hàng tự nguyện đăng ký tham gia với hạn mức và lãi suất ưu đãi. Năm 2015, TP tiếp tục thực hiện chương trình theo hướng mở rộng quy mô, đi vào chiều sâu. Các ngân hàng sẽ đồng hành với các DN nhằm hỗ trợ cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh, liên kết đầu tư, mở rộng chuồng trại, chủ động nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung - cầu, ổn định thị trường.
Cũng theo NHNN, ngoài các DN sản xuất kinh doanh thuộc nhóm hàng bình ổn, Chương trình 2015 sẽ tiếp tục mời gọi một số DN và tổ chức tín dụng tham gia. “Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ làm việc với Sở Công thương, các NHTM cũng như các DN để nắm bắt được nhu cầu vốn. Tôi tin tưởng rằng, tổng vốn tín dụng cho vay của chương trình này trong năm nay cao hơn 30% so với năm ngoái, đồng thời lãi suất cũng giảm từ 0,5% - 2%/năm cùng với việc kết nối giữa DN với các tổ chức tín dụng sẽ giúp nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp”. Hiện các ngân hàng trên địa bàn TP tham gia chương trình này cũng đã giới thiệu một số gói sản phẩm mới như hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống bán hàng bình ổn thị trường với lãi suất phù hợp, đào tạo tiểu thương tại 13 tỉnh - thành, bán hàng bình ổn qua mạng (thương mại điện tử)… Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã đăng ký gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ tiểu thương trong chợ truyền thống, đồng thời hỗ trợ, phối hợp Sở Công thương TPHCM tổ chức các lớp đào tạo về ứng dụng thương mại điện tử cho giám đốc, phó giám đốc và lãnh đạo các bộ phận chức năng của DN bình ổn thị trường, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối, chợ loại 1; đào tạo nghiệp vụ tiểu thương, ban quản lý trong chợ truyền thống tại các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ.
CTBOTT năm 2015 - Tết Bính Thân 2016 triển khai trên 4 lĩnh vực, gồm: Chương trình Lương thực - thực phẩm thiết yếu gồm 9 nhóm mặt hàng (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản chế biến và tươi sống) bổ sung thêm mặt nhiều hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như bún tươi, phở tươi, thịt gia cầm pha lóc, các sản phẩm đồ hộp; Chương trình bình ổn dụng cụ học sinh chuẩn bị Mùa khai giảng gồm 4 nhóm mặt hàng: tập vở học sinh, cặp - ba lô - túi xách - đồng phục học sinh - giày; Chương trình bình ổn mặt hàng sữa gồm 6 nhóm mặt hàng với 82 chủng loại sản phẩm, tăng 14 chủng loại so với năm 2014 gồm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho người cao tuổi và người bệnh, bà mẹ mang thai, người gầy; sữa bột dinh dưỡng gia đình; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất; Chương trình bình ổn Dược phẩm thiết yếu sản xuất trong nước đối với các bệnh thông thường nhằm chăm lo nhu cầu sức khỏe cho người dân. Chương trình triển khai thực hiện từ ngày 1-4-2015 đến 31-3- 2016.
MINH HUY