Thị trường sữa nguyên liệu thế giới không ổn định đã tác động không nhỏ đến chiến lược kinh doanh của những doanh nghiệp (DN) chế biến sữa. Vì vậy, việc đầu tư các trang trại chăn nuôi bò sữa ngay trong nước nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi và giảm dần tỷ lệ nhập khẩu sữa bột là hướng đi căn cơ và bền vững, hiện thực hóa một chủ trương lớn của Chính phủ từ hơn 10 năm trước.
Đa dạng mô hình
Ngày 28-2, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa quy mô 3.000 con bò vắt sữa, với diện tích vùng nguyên liệu 200ha và 3,5ha chuồng trại. Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ đi vào hoạt động. Trước đó, 220 con bò sữa đang mang thai nhập khẩu từ Úc của Vinamilk đã được vận chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất, khởi động cho việc nhập khẩu 5.000 con bò sữa cả năm 2014 của Vinamilk từ Úc và Mỹ, trong kế hoạch dài hơi nhằm hình thành thêm các trang trại bò sữa trong cả nước. Với 5.000 con bò dự kiến nhập trong năm 2014 sẽ bắt đầu cho sữa từ cuối năm 2014, góp phần nâng sản lượng sữa tại các trang trại công ty lên 50 triệu lít/năm.
Theo Vinamilk, việc ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo kỹ thuật nuôi chăm sóc tốt là yếu tố căn bản cho việc nuôi bò sữa nhập nội. Năng suất đàn bò sữa tại các trang trại Vinamilk bình quân trên 7.200kg/con/năm là năng suất cao so với thế giới (ngang châu Âu, cao hơn khu vực châu Á). Vinamilk quyết định tiếp tục nhập bò giống từ Úc với số lượng lớn, kể cả từ Mỹ để tăng nhanh đàn. Những năm trước Vinamilk đã đưa vào hoạt động các trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng. Quy mô 2.000 – 3.000 con/ trang trại. Từ nay đến năm 2015, Vinamilk sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 3 trang trại bò sữa mới tại Tây Ninh (10.000 con), Hà Tĩnh (3.000 con), và Nông trường Thống Nhất, Thanh Hóa (20.000 con). Nâng tổng số lên 9 trang trại với khoảng 46.000 con bò sữa, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu, trong đó từ trang trại chiếm 20%, còn lại 20% từ các nông hộ nuôi bò sữa ở khu vực TPHCM, nguồn cung cấp nguyên liệu sữa tươi chủ yếu trước đây của Vinamilk.
Không chỉ Vinamilk, các đại gia ngành sữa cũng đã và đang vào cuộc như đầu tư theo hướng quy mô đại trang trại bò sữa với cả chục ngàn con ở Nghệ An, ứng dụng công nghệ cao của Israel để hạn chế sự khắc nghiệt của thời tiết mà Công ty cổ phần Sữa TH (TH Milk) đầu tư cuối thập niên 2000. Trong khi đó, Công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV) lại khởi động chương trình xây dựng vùng nguyên liệu sữa theo hướng đầu tư công tư kết hợp (PPP), theo đó, FCV lấy nông hộ làm đối tác, thông qua kỹ thuật và kinh nghiệm từ những chủ trại Hà Lan qua Việt Nam trao đổi với hình thức nông dân giúp nông dân nhờ truyền thống lâu đời của ngành nuôi và chế biến sữa Hà Lan. Năm nay, FCV bắt đầu khởi động chương trình tại tỉnh Hà Nam, sau đó đến Trà Vinh và Bình Dương. Dù mỗi doanh nghiệp đầu đàn xây dựng vùng nguyên liệu theo những chiến lược khác nhau, nhưng đó chính là sự đa dạng hóa mô hình giúp ngành nuôi và chế biến sữa còn khá mới ở Việt Nam có thể phát triển ổn định nhờ hình thành nên các vùng nguyên liệu trong nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn và giảm bớt sự lệ thuộc nguyên liệu sữa bột nhập nội.
Nghịch lý
Kể từ khi Vinamilk mua sữa của những người nuôi bò tại TPHCM về chế biến, giúp hình thành nên mô hình nông hộ nuôi bò cung cấp sữa cho nhà máy, đến nay, xuất hiện thêm mô hình trang trại và đại trang trại bò sữa quy mô công nghiệp, đã nâng dần tỷ lệ nội địa hóa nguồn sữa tươi nguyên liệu trong nước từ 8% lên khoảng 30% nhu cầu chế biến các sản phẩm trong nước. Nhưng cũng chỉ mới cung cấp gần 400.000 tấn sữa/năm, vẫn phải nhập thêm 1,2 triệu tấn sữa bột mới có thể đáp ứng nhu cầu. Với số lượng đó, bình quân mỗi người cũng chỉ tiêu thụ 13kg sữa/năm, khá thấp so với bình quân các nước khu vực. Kinh tế phát triển, nhu cầu sữa tăng lên nên tốc độ phát triển của ngành này luôn ở mức 2 con số. Chúng ta không trông chờ 100% lượng sữa tươi nguyên liệu nội địa hóa, nhưng nghề nuôi bò sữa còn có điều kiện phát triển nhờ thị trường còn rất lớn ngay trong nước.
Sau khoảng 30 năm phát triển, đàn bò sữa cả nước đang ngấp nghé ngưỡng 200.000 con, với tốc độ phát triển bình quân 2 con số liên tục nhiều năm, Bộ NN-PTNT dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 500.000 con, đáp ứng khoảng 38% nhu cầu trong nước. Vì vậy, việc tạo điều kiện để ngành này phát triển, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi bò sữa cần phải được các địa phương chú ý, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước, lựa chọn những cây, con còn nhiều tiềm năng để ưu tiên đầu tư. Rất tiếc, khi các doanh nghiệp đặt vấn đề đất để xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa, dường như không hấp dẫn lãnh đạo địa phương. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi phản ánh nghịch lý, các địa phương thường xem đất nông nghiệp như là nguồn dự trữ cho công nghiệp. Việc quy hoạch khu vực cho chăn nuôi, nhất là nuôi bò sữa chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của không ít địa phương. Đó là điều trái khoáy khi vùng đất phù hợp nuôi bò sữa lại không còn do đã quy hoạch cho cây trồng khác, trong khi tại vùng đất khí hậu khắc nghiệt như miền Trung lại xuất hiện những đại trang trại bò sữa. Điều này góp phần đội giá thành sữa tươi, giảm thế cạnh tranh. Phải chăng vì điều này mà những vùng có khí hậu tương đối phù hợp nuôi bò sữa như Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, giúp giá thành sữa tươi giảm xuống lại có lượng bò sữa rất khiêm tốn, chủ yếu ở vài huyện của Lâm Đồng. Phải chăng cũng vì quỹ đất trong nước ngày càng hạn hẹp nên Vinamilk đang tìm kiếm đối tác và quỹ đất tại Campuchia để hợp tác xây dựng trang trại bò sữa?
CÔNG PHIÊN