Khi khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại của doanh nghiệp (DN) nhỏ trong 2 năm đầu là 30%, 5 năm tiếp theo là 50%. Tỷ lệ thành công của DN nhỏ chỉ chiếm 20%. Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết như vậy tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Vườn ươm DN nông nghiệp công nghệ cao
Mới đây, Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao vừa trao bằng tốt nghiệp cho Công ty cổ phần Linh Chi Việt, Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát và Công ty cổ phần XNK Đông Á sau thời gian được hỗ trợ khởi nghiệp. Năm 2015, Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt và Công ty Cội Nguồn Thực Phẩm Việt Nam, và trước đó, năm 2013, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam, cũng đã được trao giấy tốt nghiệp. Đây là 7 trong số 17 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được trang bị kiến thức từ cách tổ chức DN, quản lý nhân sự, chiến lược tiếp thị, kỹ năng bán hàng cũng như tư vấn, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, quản trị DN, các phương pháp tiếp cận nguồn vốn, nâng cao kỹ năng mềm…
Trồng hoa lan tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Hiện nay, các DN này đều có sản phẩm tiêu thụ khá ổn trên thị trường, thông qua kênh phân phối như siêu thị (BigC, Metro, Co.opmart…), trường mầm non, chung cư… Có thể nói, khởi nghiệp là một chủ trương đã và đang được Nhà nước khuyến khích, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, bởi hiện nay DN trong lĩnh vực này chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, chỉ vài phần trăm so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công đối với các DN nhỏ còn thấp nên rất cần những “vườn ươm” giúp cho DN được trang bị nhiều mặt, đặc biệt là về nguồn nhân lực, quản trị DN, sở hữu trí tuệ - vốn là những điểm hạn chế của DN khởi nghiệp.
Sự thành công của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt là điển hình của sự ươm tạo này. Khi chưa được hỗ trợ từ trung tâm, sản phẩm của Nấm Việt chỉ tiêu thụ ở chợ nhỏ, giá bán không ổn định, thường bị đầu nậu ép giá. Khi tham gia chương trình ươm tạo của trung tâm năm 2012, công ty được hỗ trợ nhiều mặt như cơ cấu lại bộ máy, tăng cường khả năng kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; được hỗ trợ khoảng 2.000m2 đất để xây dựng nhà trồng nấm; tham gia các khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng các trang thiết bị, phòng thí nghiệm của trung tâm để sơ chế, đóng gói, tạo meo giống như máy đóng trà túi lọc, máy hút chân không, máy sấy phun, tủ sấy chân không… Những hỗ trợ này giúp giảm thiểu áp lực về tài chính giai đoạn đầu. Trung tâm còn hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, nhờ đó tiếp cận nhà phân phối chuyên nghiệp với mạng lưới phân phối rộng lớn. Các sản phẩm Nấm Việt được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn và lựa chọn.
Chăm sóc dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Thành Trí
Chung tay hỗ trợ
Đây là những hỗ trợ quan trọng giúp công ty chủ động trong sản xuất và tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm. Doanh thu của Nấm Việt cải thiện rõ nét và có mức tăng trưởng đáng kể. Năm 2014, doanh thu 1,4 tỷ đồng với 2 loại sản phẩm chính là linh chi và bào ngư, đến năm 2015 đạt 4,2 tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng hơn, sản phẩm của Nấm Việt đã chiếm được niềm tin của khách hàng. Những hỗ trợ thiết thực này giúp Nấm Việt giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thương trường. Tuy nhiên, những điều này không phải DN khởi nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận. Thạc sĩ Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho rằng rủi ro với việc khởi nghiệp của DN nông nghiệp rất lớn, do việc quản lý, điều hành xây dựng kế hoạch kinh doanh còn cảm tính, nguồn vốn hạn hẹp, bị rào cản về thuế, các công ty bảo hiểm e ngại cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Một khi “hệ sinh thái” khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của DN khi mới khởi nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An, mô hình vườn ươm lần đầu tiên tạo nên hệ thống dịch vụ kinh doanh đồng bộ, gắn kết, thay vì các hỗ trợ dịch vụ đơn lẻ. Tuy nhiên, mặc dù đạt được một số thành công trong phát triển hệ thống các vườn ươm song việc xây dựng và phát triển vườn ươm DN vẫn còn không ít khó khăn. Nguồn vốn tài trợ từ ngân sách nhà nước, địa phương cho việc thành lập và hoạt động của nhiều vườm ươm DN hoạt động không vì lợi nhuận rất ít, chủ yếu là mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và nhiều nước, nhất là Trung Quốc - 10 năm đầu phát triển, các vườn ươm nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ để đảm bảo sự phát triển bền vững và theo định hướng của Nhà nước, tránh tình trạng phát triển tự phát. Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa nhiều; thiếu nhận thức đầy đủ của cộng đồng DN về vai trò của vườm ươm và lợi ích trong tài trợ cho các vườn ươm…
Rau trồng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Việc thị trường chứng khoán còn kém phát triển cũng hạn chế đầu tư mạo hiểm đối với DN trong vườn ươm. Các vườn ươm hiện hữu phần nhiều là vườn ươm DN công nghệ, chủ yếu công nghệ thông tin. Việc cung ứng các dịch vụ ươm tạo DN là dạng dịch vụ công, ảnh hưởng tới sự phát triển khu vực DN và phát triển công nghệ, do đó, vai trò của Nhà nước trong tổ chức xây dựng, tài trợ vốn hoạt động là rất quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển của các vườn ươm, theo hướng bảo đảm vườn ươm hoạt động có hiệu quả, với đội ngũ quản lý vườn ươm chuyên nghiệp và bảo đảm các vườn ươm đạt sự tự chủ về hoạt động trong dài hạn.
|
CÔNG PHIÊN