Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và DN đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức chuỗi cung ứng, cũng như thảo luận về đường hướng, nhu cầu, cơ chế hợp tác, kết nối hàng hóa giữa các địa phương với TPHCM, giữa DN sản xuất với hệ thống phân phối hiện đại nhằm phát triển thị trường, tạo đầu ra bền vững cho hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng nông sản và đặc sản vùng miền. Báo SGGP trích ghi ý kiến phát biểu của một số đại biểu tham gia hội nghị.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM:
Nâng cao vị thế hàng Việt trong nhận thức và hành vi tiêu dùng
Nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vì vậy, DN và sản phẩm sản xuất trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại của nước ta chưa được hoàn thiện, chưa thực sự trở thành công cụ bảo vệ thị trường trong nước và kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là khó khăn cơ bản trong quá trình thực hiện công tác quản lý, phát triển thị trường trong nước trên địa bàn TPHCM và triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương phát động với mục đích “phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TPHCM đã tập trung triển khai 5 giải pháp đồng bộ, gồm nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền, vận động; nhóm giải pháp về kết nối DN với thị trường tiêu thụ thông qua phát triển hệ thống phân phối và tổ chức các hoạt động xúc tiến; nhóm giải pháp về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh; nhóm giải pháp khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam và nhóm giải pháp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường.
Từ kết quả triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp trên, có thể thấy hiệu quả cuộc vận động thể hiện trên các phương diện như đã truyền tải sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích và ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các hoạt động của chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường trong nước gắn với việc cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh; đồng thời, góp phần quảng bá sâu rộng và nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của nhân dân TP. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích; đồng thời, lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa đến khắp các địa bàn, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được triển khai sâu rộng thông qua phát triển điểm bán và tổ chức bán hàng lưu động.
Một số chương trình nhánh đã phát triển theo chiều sâu với những điểm mới so giữa năm sau với năm trước; ngày càng tập trung hơn vào việc xác định mục tiêu cụ thể, xây dựng và triển khai kế hoạch để đạt được kết quả cụ thể là kết nối DN và thúc đẩy tạo lập các mối liên kết trong sản xuất - lưu thông hàng hóa có tính chất lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM:
Kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông giữa các địa phương
TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ luôn nhận thức sâu sắc quan điểm liên kết, hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội với nhau là nhiệm vụ chính trị, chiến lược lâu dài nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển. Việc ký kết hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ vào cuối năm 2011 là một trong các nội dung thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực thương mại giữa TPHCM với các địa phương, là tiền đề để chính quyền các bên làm cầu nối cho DN địa phương liên kết, hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, thương mại - dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối, phối hợp theo dõi, nắm bắt tình hình nuôi trồng, sản xuất, điều hành cân đối cung - cầu hàng hóa và ổn định giá cả thị trường, góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, TPHCM và các tỉnh, thành đã phối hợp tổ chức thành công 6 hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa với hiệu quả được nâng lên qua từng năm. Xét về quy mô, hiệu quả của hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều, với tổng số 2.283 hợp đồng đã được các bên ký kết.
Bên cạnh đó, TPHCM còn là đầu mối kết nối tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản. Điển hình, năm 2016 kết nối đưa 80.000 tấn vải thiều của các tỉnh phía Bắc vào tiêu thụ tại thị trường khu vực phía Nam; tiêu thụ hơn 10.000 con heo/ngày của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; phối hợp các sở ngành đánh giá chất lượng thủy - hải sản khu vực miền Trung, lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng đưa vào hệ thống phân phối tại thị trường TPHCM; tích cực mời gọi DN tham gia các hoạt động kết nối tiêu thụ chanh, ớt tại Long An, hành tím tại Sóc Trăng, nông sản tại Trà Vinh, An Giang, Bến Tre…
Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tại TPHCM, nhiều DN các địa phương không ngừng gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, sản xuất nhãn hàng riêng cho các hệ thống phân phối lớn của TPHCM. Không chỉ phân phối nội địa, các hệ thống phân phối lớn của TP như Saigon Coop, Metro, BigC, Lotte… còn lựa chọn nhiều mặt hàng có tiềm năng để xuất khẩu ra nước ngoài thông qua kênh phân phối của các hệ thống này. Cụ thể, Saigon Co.op xuất khẩu vải, bưởi da xanh... qua Singapore thông qua hệ thống đại siêu thị Co.op Extra; Lotte xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản của khu vực thông qua hệ thống siêu thị Lotte tại Hàn Quốc...
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay còn đối mặt với những thách thức khi nhiều sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của các địa phương vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm... theo yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại.
Thời gian tới đây, TPHCM và các tỉnh, thành dự kiến sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đó là tăng cường hợp tác giữa các sở công thương địa phương; chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư; kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông giữa các địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ, định kỳ tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành.
Từ nay đến năm 2020, Sở Công thương TPHCM sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành bạn đang phân phối tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM để góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào TP; tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương của UBND TPHCM. Hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa DN tại các địa phương khác nhau, lưu thông hàng hóa hiệu quả và có kiểm soát từ nuôi trồng đến tay người tiêu dùng. Phát huy lợi thế từng địa phương, tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Chỉ có như vậy, việc hợp tác phát triển hàng Việt mới mang lại hiệu quả cao.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM:
Cần cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ
Nỗ lực cải cách môi trường, đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã có những ảnh hưởng tích cực trong việc nâng cao sức cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ riêng các DN nhỏ và vừa mà các DN lớn trong ngành lương thực, thực phẩm vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc liên kết phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, các DN trong nước gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi mà mức chiết khấu vẫn còn khá cao, 15% -25%, khi đó DN sẽ phải đẩy giá cao hơn so với bên ngoài 15%-30% mới đảm bảo lợi nhuận nhưng lại giảm sức cạnh tranh về giá. Trong khi đó, các mặt hàng từ thực phẩm đến thời trang dệt may, hàng điện máy, điện tử… của một số nước trong khu vực đang được quảng bá và bày bán khắp các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị trên cả nước khiến DN trong nước điêu đứng bởi giá cả các mặt hàng này rẻ hơn và chất lượng, mẫu mã thiết kế cũng được đánh giá tốt hơn. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN Việt do phải cắt giảm khả năng và sản lượng, từ đó giảm khả năng cạnh tranh trước hàng ngoại.
Để tạo điều kiện cho các DN trong nước, Chính phủ cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, sức cạnh tranh cho hàng hóa của DN. Kiến nghị Bộ Tài chính không tăng thuế VAT đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ các DN bán lẻ uy tín trong nước mở rộng cửa hàng hiện tại, tăng thêm cửa hàng mới. Tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để việc lưu thông hàng hóa được tốt hơn.