Tạo điều kiện cho kiều bào về làm việc

Không nên đặt rào cản

* Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Sáng 26-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viên chức. Vấn đề tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở thành viên chức ở Việt Nam là mối quan tâm đặc biệt của đại biểu.

Không nên đặt rào cản

Thảo luận về dự án luật này, nhiều đại biểu tiếp tục thể hiện các ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đồng tình phải thành lập Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập để ngăn chặn tình trạng người đứng đầu lạm quyền trong tuyển dụng, sử dụng viên chức, gây hậu quả xấu (hiện nay đang xảy ra phổ biến) như đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại phản đối. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, có cần thiết phải “phình” bộ máy ra không, vì trên thực tế đã từng có các hội đồng loại này (ví dụ Hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục) nhưng hiệu quả hoạt động không cao, còn mang tính hình thức.

Về quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập; do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài.

“Trong số công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có không ít người vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch nước khác, do đó, nếu họ trở thành viên chức ở Việt Nam có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định trong quá trình quản lý, sử dụng. Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có xác định thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý lại quy định của dự thảo luật theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu không tán thành với luận điểm này. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nếu thêm quy định “phải cư trú tại Việt Nam” tức là đặt ra rào cản, không thu hút được người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng về nước làm việc trong xu thế hội nhập hiện nay. “Chỉ cần quy định, người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam” - ĐB Đào nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Quốc hội đã sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quốc tịch là tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có điều kiện về cống hiến phục vụ cho quê hương, đất nước. “Tại sao chúng ta lại đưa ra quy định hạn chế người Việt Nam định cư ở nước ngoài? Hàn Quốc cấp hộ chiếu vàng cho công dân nước ngoài để ở lại Hàn Quốc phục vụ cho đất nước của họ trong những lĩnh vực, ngành nghề mà họ cần phải ưu tiên để thu hút nhân tài. Việt Nam có 14 sinh viên, tiến sĩ được Hàn Quốc cấp hộ chiếu vàng, trong khi chúng ta không tạo điều kiện. Đây cũng là sự lãng phí”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu.

Hàng loạt các vấn đề khác về Luật Viên chức cũng đã được đại biểu nêu ra. ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị luật phải cho kéo dài thời gian làm việc với những người có học hàm, học vị, vì để đạt tới trình độ giáo sư, phó giáo sư không dễ dàng, cho nghỉ sớm quá sẽ rất lãng phí. Các viên chức nữ có trình độ cao cũng nên được kéo dài thời gian làm việc. Những viên chức đi biệt phái cũng cần được có chế độ thỏa đáng...

Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Chiều qua, thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều ĐBQH quan tâm tới một quy định mới là trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm.

ĐB Phạm Trung Nhân (Cần Thơ) phân tích: “Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm đã được ràng buộc bởi hợp đồng bảo hiểm. Nếu lập thêm quỹ này sẽ làm tăng chi phí và chính người tham gia bảo hiểm phải gánh chịu. Vì vậy, không nên thành lập quỹ này”.

Một số ý kiến khác cho rằng, khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bị phá sản thì phải giải quyết theo Luật Phá sản, mà theo nguyên tắc giải quyết phá sản thì ưu tiên thứ nhất là giải quyết quyền lợi người lao động (người mua bảo hiểm), thứ hai là tiền thuế của Nhà nước... do đó không cần thiết thành lập quỹ này.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại ủng hộ việc trích lập quỹ để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói đây là việc “nhất thiết phải làm” bởi kinh doanh bảo hiểm rất rủi ro. Điều quan trọng là cần quy định chặt chẽ và cụ thể mức độ, tỷ lệ trích nộp bao nhiêu.

Với luận điểm cho rằng, thị trường bảo hiểm là một trong “3 chân” của thị trường tài chính (tiền tệ - chứng khoán - bảo hiểm), ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng mục tiêu của việc sửa luật lần này là làm sao để tăng tính an toàn cho thị trường tài chính và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Ông Lịch ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo luật về việc trích quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm: “Bảo hiểm nhân thọ thường có thời gian rất dài, trong khi thời gian hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm lại hữu hạn. Hơn nữa, quỹ được trích lập nhưng doanh nghiệp vẫn được sử dụng nguồn vốn đó”.

Giải thích thêm với ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, luật hiện hành quy định các doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro, nhưng quỹ này chủ yếu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Vì vậy, cần lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm để có nguồn để thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán.

Trong báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí việc bổ sung quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm trích lập quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm và cho rằng đây là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính (hiện nay các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... đã thực hiện).

Lâm Nguyên – Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục