Tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính sách, cách nào?

TPHCM đặt yêu cầu đẩy mạnh cơ chế cho các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và người dân cùng đồng hành với chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, lập chính sách. Làm sao để các thành phần xã hội cùng tham gia xây dựng chính sách?
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong buổi gặp gỡ nhân sĩ, trí thức TP vào cuối năm 2016. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong buổi gặp gỡ nhân sĩ, trí thức TP vào cuối năm 2016. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM đặt yêu cầu đẩy mạnh cơ chế cho các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và người dân cùng đồng hành với chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, lập chính sách; đặc biệt đối với việc thực hiện 7 chương trình đột phá. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, về vấn đề này.
Sự tham gia của người dân còn hạn chế
° PHÓNG VIÊN: Việc lấy ý kiến người dân, DN - đối tượng bị tác động trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hoặc lập quy hoạch - được quy định buộc phải thực hiện. Nhưng, TPHCM mới đây vừa nhắc lại yêu cầu này, theo ông phải chăng do chủ trương vẫn còn khoảng cách với thực tế? 
° Tiến sĩ TRẦN ANH TUẤN: Quy định hiện hành có đặt ra yêu cầu trong quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách phải tổ chức lấy ý kiến của người dân. Lâu nay, TPHCM đã thực hiện điều này. Nhưng thực tế, sự tham gia của người dân, DN vẫn còn nhiều hạn chế. Về phía các DN, do đa số là DN nhỏ và vừa, lại đặt lợi ích trước mắt lên trên nên với những chương trình mà họ thấy chưa rõ lợi ích thì không mặn mà hoặc không tham gia. 
Vì vậy, TPHCM cần thực hiện công tác này thường xuyên, hoàn thiện cách làm cũng như có sự linh hoạt nhằm tạo sự tham gia, đồng hành tích cực từ phía nhà khoa học, DN và người dân. Đối với DN, TPHCM xác định sẽ có sự hỗ trợ nhằm tạo liên kết mang tính bền vững, để DN nhận thấy được lợi ích của họ và tham gia tích cực hơn. Về phía người dân, TPHCM “đặt người dân làm trung tâm” để qua đó có các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân.
° Ông đánh giá như thế nào về phương thức đồng hành của người dân với chính quyền trong xây dựng chính sách lâu nay?
° Hiện nay, người dân tham gia thông qua việc góp ý với hệ thống MTTQ, với các cơ quan dân cử tại những buổi tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Người dân còn đồng hành với chính quyền TP trong xây dựng chính sách trên nhiều lĩnh vực, nhất là thủ tục hành chính, trong đó có sự phản ánh về các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo tôi, để người dân có sự đồng hành tốt hơn thì cần gắn với các chương trình cụ thể. Ví dụ, trong kế hoạch xây dựng TPHCM thành TP thông minh thì cần xác định người dân như là những “cảm biến” của chương trình, phải tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực, đồng hành cùng thực hiện.
Phản biện tốt sẽ ngăn ngừa lợi ích nhóm
° Việc người dân, DN và nhà khoa học tham gia tốt sẽ mang lại lợi ích cụ thể như thế nào cho xã hội, thưa ông?
° Thông qua các kênh giám sát, sự tham gia, phản biện tốt của người dân, DN sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu và ngăn ngừa được các quy hoạch, chính sách có lợi cho một bộ phận hoặc một nhóm nhỏ nào đó. Người dân, DN, nhà khoa học đồng hành vào quá trình xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách sẽ tạo được sự công khai, minh bạch ngay từ đầu. Khi người dân hiểu rõ các chủ trương chính sách, sẽ dễ tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Mặc khác, việc tạo cơ chế cho người dân, DN tham gia thực chất vào quá trình này còn giúp mọi người biết được các chủ trương quyết sách đó là vì phát triển cộng đồng, phục vụ cho xã hội, chứ không phải lợi ích cục bộ cho một nhóm, một ngành nào. Khi đó, đối với một số trường hợp bị ảnh hưởng cũng dễ dàng chấp nhận, tất nhiên Nhà nước phải có chính sách đảm bảo quyền lợi đối với họ.
° Để người dân, DN đồng hành thực chất hơn với chính quyền thì cần có những biện pháp cụ thể gì?
° Theo tôi, TPHCM phải tạo cơ chế thuận lợi cho người dân, DN tham gia ngay từ đầu quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách. Đặc biệt, các chủ trương, quyết sách liên quan đến người dân, DN thì phải công khai, minh bạch cung cấp đầy đủ các dự thảo, tài liệu liên quan. Các ý kiến góp ý người dân, DN và nhà khoa học phải được tiếp thu nghiêm túc và có giải trình cụ thể, thấu đáo. Bên cạnh đó là sự cam kết từ phía chính quyền: sẽ làm tốt và chịu trách nhiệm trước người dân. Từ các kết quả này sẽ tạo được gắn kết chặt chẽ hơn và thu hút sự tham gia đồng hành tốt hơn từ phía người dân, DN. Đó cũng là cách tìm sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân trong việc thực thi các chính sách.

Thông tin cần minh bạch

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Đại học Fulbrihgt Việt Nam, quy định hiện hành có đặt ra yêu cầu trong việc quy hoạch, lập chính sách thì phải tổ chức lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, cách tổ chức cho người dân, DN hoặc nhà khoa học tham gia hiện còn bất cập, mang tính hình thức. Trong nhiều trường hợp, việc mời các nhà chuyên môn góp ý nhưng lại không cung cấp đủ thông tin, nên nội dung góp ý chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, để có sự tham gia thực chất của người dân, DN và các nhà khoa học thì trước tiên cần sự minh bạch thông tin. Một khi người dân, DN tham gia sâu ngay từ đầu thì khi các kế hoạch, chính sách được thực thi, những người bị thua thiệt cũng không cảm thấy bị ấm ức. Bởi vì họ đã được tham gia góp ý kiến và họ đã biết giữa các phương án thì phải chọn phương án có lợi nhất cho xã hội. Ví dụ trong các trường hợp bồi thường, giải phóng mặt bằng, khi những người dân bị thu hồi đất có đầy đủ thông tin, được tham gia vào việc bàn thảo, xây dựng đơn giá, chính sách bồi thường, thì sẽ giảm đi đáng kể các khiếu kiện. 
Theo chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, những quy hoạch, chính sách mà không có sự tham gia của cộng đồng sẽ dễ mang tính áp đặt và có thể dẫn đến những vấn đề phức tạp, như câu chuyện trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Sự tham gia đồng hành thực chất của người dân, DN cũng giúp tránh được việc ban hành các quy hoạch, chính sách sai lệch do bị “lobby đen”. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần tạo cơ chế, mở thêm các kênh thuận lợi hơn để người dân, DN tham gia góp ý, đồng hành trong việc xây dựng quy hoạch, chính sách. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải có sự bao dung, cầu thị để có thể lắng nghe, ghi nhận những ý kiến trái chiều.

Tin cùng chuyên mục