Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân góp ý sửa đổi Hiến pháp

(SGGP). – Sáng 27-2, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong các tầng lớp nhân dân thủ đô.

(SGGP). – Sáng 27-2, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong các tầng lớp nhân dân thủ đô.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến người dân phải “vừa sâu, vừa rộng”. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân nghiên cứu; thể hiện rõ quan điểm, thái độ, ý kiến đồng tình hay không đồng tình của mình đối với từng điều khoản trong dự thảo.

Đối với những nội dung nhận được “quan điểm khác”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Hà Nội tổng hợp và ghi nhận nhưng cần có sự đánh giá, phân tích thận trọng, tuyệt đối không để việc góp ý dự thảo Hiến pháp bị lợi dụng vào các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống phá Đảng, Nhà nước. Sau thời điểm 31-3, hoàn tất đợt 1 lấy ý kiến người dân, các ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn sẽ được trân trọng tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013.

Sáng 27-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đề nghị hiến định rõ phạm vi, thẩm quyền quyết định của Quốc hội về các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội lớn và vấn đề phân bổ, quyết toán ngân sách.

Cũng về vấn đề này, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, bình luận: Chúng ta đã tách bạch được 2 loại là ngân sách quốc gia và địa phương. Phần (ngân sách) địa phương phải đi cùng tự quản địa phương. Dự thảo Hiến pháp lần này đã tạo dư địa để chúng ta làm. Ngân sách quốc gia gồm 2 phần, cụ thể là ngân sách trung ương và ngân sách trung ương trợ cấp cho địa phương. Hai cái cộng lại là ngân sách quốc gia, do Quốc hội quyết định. Còn cái gì là ngân sách địa phương thì do chính quyền địa phương quyết định, Quốc hội không can thiệp. Trên cơ sở nguyên tắc đó thì chính quyền trung ương không bao cấp địa phương thông qua tiền mà “bao cấp nhiệm vụ”.

Ngày 27-2, UBMTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội khác góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại đây, rất nhiều ý kiến cho rằng dù thời gian gấp nhưng Ban soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp sâu sắc của nhân dân để chỉnh sửa bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi hoàn chỉnh nhất.

Đi vào cụ thể, ông Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và một số ý kiến đề xuất nên lấy lại lời nói đầu của Hiến pháp 1992 vì rất đầy đủ, sâu sắc, trong đó có quy định về chế độ chính trị. Dự thảo cần nhấn mạnh nhiều hơn nữa thực quyền của Chủ tịch nước. Theo đó, nên bổ sung và làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng bởi đây là các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng phải có quyền triệu tập (chứ không phải yêu cầu như dự thảo ghi) Chính phủ và Thủ tướng họp bàn những vấn đề liên quan.

Liên quan đến đất đai, bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo, cho rằng cần có ủy ban về đất đai, tránh tình trạng quyền lực tập trung vào người đứng đầu chính quyền, giải quyết được tình trạng hủy hoại tài nguyên đất đai hiện nay. Về Hội đồng bảo hiến, khá nhiều ý kiến đề xuất cần có tòa hiến pháp để xem xét việc thực hiện Hiến pháp, kể cả những hoạt động của Quốc hội.

Cùng ngày, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 4 (nhiệm kỳ V) và thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao những nội dung cơ bản của bản Dự thảo Hiến pháp, đã có nhiều thay đổi so với Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị làm rõ các khái niệm về quyền công dân ghi trong Hiến pháp.

Theo Linh mục Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, quyền con người dành cho mọi người từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, còn quyền công dân chỉ dành cho những người đủ 18 tuổi trở lên. Do vậy, nên sửa cụm từ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” ở Điều 17, thay cho Điều 52 của Hiến pháp năm 1992 nói: “Mọi công dân…”. Tương tự, Điều 24 trong dự thảo giữ nguyên câu: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài…” của Điều 68 Hiến pháp năm 1992 là chưa ổn, vì trẻ em cũng có quyền này chứ không chỉ có công dân. Hay, Điều 26 dự thảo ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”, trẻ em chưa đến tuổi công dân cũng có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên các tờ báo của các em.

Linh mục Nguyễn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Đà Nẵng góp ý nội dung Điều 2 nên ghi: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…” là đủ, không nhất thiết phải ghi thêm các cụm từ “liên minh giữa giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức”, vì trong xã hội hiện nay còn có đội ngũ doanh nhân những năm qua có những đóng góp rất lớn cho xã hội và cho nền kinh tế của đất nước. 

A. THƯ - PH. THẢO - H. NAM

Tin cùng chuyên mục