Tạo điều kiện tiếp cận vốn, phát triển điểm bán

Ngày 13-4, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi làm việc với 86 doanh nghiệp (DN) về việc triển khai các quyết định số 1228, 1229, 1230 và 1231 về việc thực hiện 4 Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 đối với các mặt hàng sữa, lương thực - thực phẩm, mùa khai trường và các mặt hàng dược phẩm. Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tạo điều kiện tiếp cận vốn, phát triển điểm bán

Ngày 13-4, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi làm việc với 86 doanh nghiệp (DN) về việc triển khai các quyết định số 1228, 1229, 1230 và 1231 về việc thực hiện 4 Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 đối với các mặt hàng sữa, lương thực - thực phẩm, mùa khai trường và các mặt hàng dược phẩm. Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Gà đẻ trứng trên dây chuyền tự động tại Chi nhánh Công ty TNHH Ba Huân - Bình Dương cung ứng cho CTBOTT của TPHCM. Ảnh: THÁI NGUYỆT

Tăng sản lượng hàng bình ổn

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, cho biết CTBOTT năm nay có tổng số 86 DN tham gia.

Đối với CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu có 42 DN, trong đó có 6 đơn vị mới tham gia lần đầu (gồm Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ánh Nhi, Công ty TNHH SXTM nông sản Phong Thúy, Công ty TNHH quốc tế Phước Thắng, Công ty TNHH TM SX Hải Nam, Công ty TNHH SX chế biến thủy hải sản và TM Thanh Phát, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình), 4 DN cũ không tiếp tục tham gia gồm: Vinatex, Công ty cổ phần Đầu tư An Phong, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, Công ty TNHH MTV TM-DV Biển Bình Minh.

CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường có 15 DN tham gia, trong đó có 2 đơn vị mới tham gia lần đầu là Công ty TNHH TM-DV XNK Cao Gia Khánh và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Á Châu; 3 đơn vị cũ không tiếp tục tham gia gồm Vinatex, Công ty TNHH Anbita Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng.

CTBOTT các mặt hàng sữa có 5 DN tham gia, trong đó có 1 đơn vị mới tham gia lần đầu là Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (TH Truemilk). CTBOTT các mặt hàng dược phẩm có 14 DN tham gia, trong đó có 2 DN mới tham gia lần đầu và 2 DN cũ không tiếp tục tham gia.

Lượng hàng thực hiện CTBOTT đối các mặt hàng lương thực - thực phẩm tăng bình quân 30% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2015. Các mặt hàng trong chương trình mùa khai trường, lượng hàng chiếm từ 35% - 40% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15% - 30% so với kết quả thực hiện năm 2015. Các mặt hàng sữa, tổng lượng hàng hóa tham gia thực hiện chương trình năm 2016-2017 là 4.529,5 tấn/năm (377,5 tấn/tháng), tăng 8,37% so với kết quả thực hiện chương trình năm 2015-2016 và tăng 13,9% so với kế hoạch thực hiện. Các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân TP sử dụng trong năm 2016.

Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng (tăng 8,86% so với năm 2015), lãi suất tương đương năm 2015, gồm 3 gói tín dụng, trong đó có 6.350 tỷ đồng cho DN trong chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5% - 6%/năm; 2.950 tỷ đồng cho DN chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5% - 8%/năm và 3.600 tỷ đồng cho DN trong chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư chuồng trại, cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối, lãi suất từ 8,5% - 9%/năm.

DN cần báo ngay khi gặp khó khăn

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, CTBOTT năm nay tiếp tục thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, bằng cách kết nối ngân hàng và DN để tạo nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đại diện hầu hết DN cho rằng, việc triển khai các CTBOTT về cơ bản là thuận lợi. Các ngân hàng đã tạo điều kiện tốt nhất cho DN vay vốn. Mức lãi suất cho vay đảm bảo đúng theo từng hạng mục ngân hàng đã cam kết. Tuy vậy, việc hợp tác để đưa hàng bình ổn đến các tỉnh, thành vẫn còn những vướng mắc nhất định. Không phải địa phương nào cũng tạo điều kiện cho DN đăng ký bán hàng bình ổn vào các siêu thị. Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đến các tỉnh, thành cũng bị các lực lượng chức năng làm khó dễ, dẫn đến thời gian giao hàng thường bị trễ so với kế hoạch.

Với các ngân hàng cung ứng vốn, đại diện Sacombank kiến nghị: “Hiện lãi suất tiền gửi tăng ngay từ đầu năm. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn dành gói tín dụng với lãi suất thấp, ngang bằng năm 2015. Ngân hàng cũng là DN, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho các ngân hàng tham gia bình ổn thị trường”.

Về những vấn đề nêu trên, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, Sở Công thương hiện đang phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, quận, huyện trong việc rà soát lại mặt bằng theo quy định và các sạp ở chợ truyền thống còn trống để giao cho DN bình ổn phát triển điểm bán. Sở cũng sẽ ngồi lại cùng các sở, ngành kiến nghị các cơ chế, chính sách cho các ngân hàng tham gia chương trình. Về vốn, bên cạnh gói tín dụng dành cho chương trình là 12.900 tỷ đồng, TP cũng đã ban hành Quyết định 50/2015 (thay thế Quyết định 33 và 38), quy định về việc triển khai thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM nhằm khuyến khích các DN, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm. Theo đó, các lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất bao gồm các dự án công nghệ cao; dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; dự án thuộc lĩnh vực thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa xã hội; dự án hạ tầng và môi trường. Do vậy, các DN có dự án tốt, hoàn toàn có thể tận dụng nguồn vốn từ quyết định này để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến việc vận chuyển, đăng ký bán hàng bình ổn tại các tỉnh, thành, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng nếu DN gặp khó khăn gì, cần báo ngay cho bộ phận thường trực của chương trình (điện thoại: 38291670, fax: 38296389) để được hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, DN cũng làm đơn gửi cho sở, cũng như tỉnh, thành, từ đó sở sẽ làm công văn đề xuất giải quyết. Đối với các DN trong chương trình mùa khai trường, sắp tới sở sẽ có văn bản giới thiệu DN đến gặp trực tiếp các trường nhằm đưa hàng hóa vào các bếp ăn, cũng như học cụ cho năm học mới. Riêng các DN mới tham gia chương trình lần đầu, cần đăng ký cho xe vận chuyển hàng hóa vào giờ cao điểm nên liên hệ với bộ phận thường trực của chương trình để được hướng dẫn thủ tục.

"Chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 là CTBOTT năm thứ 15 mà TPHCM thực hiện và đã thực sự lớn mạnh, đi vào ổn định. Các DN tham gia chương trình đều là những đơn vị có uy tín của TP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu DN gặp khó khăn, vướng mắc cần báo ngay để các sở, ngành tìm cách tháo gỡ cho DN. TPHCM tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN phát triển và cung ứng nguồn hàng theo đúng số lượng và chất lượng đã cam kết để ổn định thị trường, góp phần ổn định an sinh xã hội"

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM
Nguyễn Huỳnh Trang

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục