Sau thời gian tập trung tái cấu trúc, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM tuy có những thành quả bước đầu nhưng quá trình triển khai bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt khâu thực thi chính sách, khiến tốc độ phát triển của 4 ngành này diễn ra khá chậm.
Ngành thực phẩm và đồ uống đang chuyển sang tinh chế, ứng dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: CAO THĂNG
Thuần gia công, lắp ráp
Thời gian qua, 4 ngành: Cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm, đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Số liệu thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho thấy, tốc độ phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu ở TPHCM tuy có phần sụt giảm, từ mức tăng trưởng 9,1% năm 2011, đến năm 2014 giảm còn 7,7%. Tuy nhiên, tỷ trọng của 4 ngành này có phần nhích lên gần 60% năm 2014 so với mức 58,8% năm 2011. Qua đây cho thấy, TPHCM đang tập trung tái cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo hướng tăng tinh, giảm thô.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TPHCM, mặc dù 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM đạt được những kết quả ban đầu, nhưng chưa như kỳ vọng. Trong đó, chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp vẫn tăng cao, quá trình chuyển dịch cơ cấu nội bộ diễn ra chậm; năng suất lao động thấp. Đáng chú ý, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp 4 ngành phần lớn ở mức yếu và trung bình. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quá tải. Phương thức sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, trên 70% nguyên vật liệu nhập khẩu với chi phí cao. “Khó khăn lớn nhất và cũng là rào cản để phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu là các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn yếu cũng là trở ngại lớn”, TS Trần Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết.
Rào cản chính sách
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, để đẩy nhanh tốc độ phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trước mắt cần thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ tái cơ cấu hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn TP, từng bước nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Đẩy mạnh các giải pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời những khó khăn về thủ tục hành chính, pháp lý, vốn, công nghệ… “Mặc dù, thời gian qua, TPHCM đã có những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chưa đạt hiệu quả cao do khâu thực thi vẫn chưa lan tỏa vào thực tế các lĩnh vực, ngành nghề, hoặc được triển khai khá chậm, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài”, ông Hải phân tích. Bên cạnh đó, có những cơ chế ưu đãi thiết thực để vận động doanh nghiệp sử dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc trong nước đạt tiêu chuẩn để giảm nhập siêu.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, cần xem xét, đánh giá lại mức độ sản phẩm trong nước trước sức ép cạnh tranh với các nước ASEAN, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đang gia tăng. “Hiện tại năng suất lao động ngành công nghiệp trong nước thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi đó theo lộ trình đến năm 2015, thuế suất trong khu vực sẽ bằng 0%. Điều này tạo sức ép cạnh tranh gay gắt lên các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hưng phân tích. Trong một hội thảo gần đây tại TPHCM, khi bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, TS Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất: TP cần tập trung vào những vấn đề như lựa chọn công nghệ trong quá trình tiếp thu chuyển giao đổi mới công nghệ. Tránh tình trạng như lâu nay, khi thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều chính sách ưu đãi, nhưng doanh nghiệp trong nước lại không được chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, hết thời hạn công nghệ cũng đã rất lạc hậu, nên việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước không thực hiện được. Ngoài ra, TP cũng nên đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh và xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu TP.
LẠC PHONG