(SGGP).– Chiều 30-4, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và đại diện các tỉnh thành ĐBSCL, nhiều nhà khoa học… cùng tham dự.
Nhiều đại biểu đã đề cập tới các kịch bản tác động BĐKH với ĐBSCL trong tương lai và đưa ra các giải pháp ứng phó. Ông Dick Kevelam, Trưởng nhóm tư vấn và ông Martijn van de Groep, Cố vấn trưởng kỹ thuật - nhóm chuyên gia tư vấn của Chính phủ Hà Lan, đã trình bày và lấy ý kiến tham vấn cho dự thảo kế hoạch châu thổ sông Cửu Long tầm nhìn 2100. Đây là một trong những kế hoạch mang tính tổng thể giúp ĐBSCL thích ứng với các vấn đề như nước biển dâng, phòng chống lũ, hạn hán…
Tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, cảnh báo: Sản xuất nông nghiệp đang góp phần làm nóng địa cầu, việc đẩy mạnh luân canh tăng vụ có nguy cơ làm gia tăng BĐKH và ĐBSCL là nơi chịu tác động nhiều nhất. Những năm qua nhiều nơi xảy ra tình trạng tự ý phá rừng nuôi tôm làm gia tăng lượng khí CO2; việc thâm canh lúa và chăn nuôi gia súc góp phần làm tăng lượng khí CH4; đáng lo ngại là nhiều nông dân thường sử dụng quá nhiều phân thuốc, nhất là phân đạm, cộng với việc đốt rơm rạ đại trà đã tác động xấu đến môi trường. ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… chủ lực của cả nước. Do đó để phát triển nền nông nghiệp bền vững trong bối cảnh ứng phó với BĐKH đang là vấn đề bức bách đặt ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm tác động của BĐKH thì ĐBSCL có nên giảm diện tích trồng lúa, giảm nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái… hay không? GS Võ Tòng Xuân khẳng định, không thể giảm sản xuất nông nghiệp được, bởi đây là nguồn sống của hàng chục triệu cư dân và là thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thay đổi phương pháp và mô hình sản xuất phù hợp với BĐKH. Theo đó, cần có tư duy mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo những nông dân kiểu mới, không sản xuất tự phát theo ý mình mà phải làm theo khoa học gắn nhu cầu thị trường tiêu thụ. Ngành nông nghiệp tăng cường giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhằm giảm khí thải nhà kính, giảm việc lạm phát phân thuốc hóa học, không đốt rơm rạ bừa bãi… Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ đại trà sang mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tất cả các khâu từ đầu vào nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và không ảnh hưởng xấu cho môi trường.
H.Lợi - Đ.Tuyển