Tạo lực đẩy phát triển doanh nghiệp mũi nhọn

TPHCM là một đầu tàu kinh tế, đồng thời còn là một trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP tại cuộc họp HĐND TP cuối năm 2014, kinh tế TP phát triển còn thiếu vững chắc, các mặt hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu gia công, giá trị gia tăng thấp, thiếu sản phẩm chiến lược. Vậy cơ chế nào để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn TPHCM trong bối cảnh hội nhập rộng mở?
Tạo lực đẩy phát triển doanh nghiệp mũi nhọn
Tạo lực đẩy phát triển doanh nghiệp mũi nhọn ảnh 1
TPHCM là một đầu tàu kinh tế, đồng thời còn là một trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP tại cuộc họp HĐND TP cuối năm 2014, kinh tế TP phát triển còn thiếu vững chắc, các mặt hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu gia công, giá trị gia tăng thấp, thiếu sản phẩm chiến lược. Vậy cơ chế nào để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn TPHCM trong bối cảnh hội nhập rộng mở?

Tiếp sức doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam hội nhập, thị trường Việt Nam là thị trường cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, có thể nói phần lớn doanh nghiệp (DN) nội địa còn yếu kém nhiều mặt, đặc biệt là về vốn và công nghệ. Thực tế các năm gần đây, nhiều DN đã không trụ nổi, phá sản hoặc bán cho DN nước ngoài. Tuy nhiên cũng không ít DN nhận thức được tầm quan trọng trong hội nhập kinh tế, đã chuyển mình đầu tư phát triển sản phẩm tạo ra hàng hóa khác biệt mang tính cạnh tranh cao.

Những DN khác nhận thức được tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, nhưng lực bất tòng tâm do chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là thuê tư vấn đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật của đơn vị. Cũng có nhiều DN xác định cạnh tranh bằng kinh tế tri thức, xây dựng thương hiệu quốc tế, xây dựng chiến lược phân phối kiểm soát thị trường... Để làm điều đó, nhiều DN đã chủ động ra nước ngoài thuê các tổ chức quốc tế tư vấn chiến lược thương hiệu, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao với kinh phí không nhỏ. Điều đáng tiếc là các ngành chức năng chưa có chính sách hỗ trợ, đồng hành thúc đẩy DN tạo dựng các sản phẩm mũi nhọn trong sân chơi toàn cầu.

TPHCM xác định định hướng phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 là trở thành một trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực, chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực trong quá trình phát triển. Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN và đón đầu xu thế quốc tế. Đề tài nghiên cứu khoa học nhiều nhưng tính khả dụng còn thấp, trong khi nhu cầu DN rất cần để đổi mới sản xuất kinh doanh. Phải chăng các giải pháp khoa học - công nghệ hiện nay chưa đi sâu vào nhu cầu DN? Bài toán đặt ra là làm thế nào để khoa học - công nghệ TP tạo được sức bật như mong đợi của lãnh đạo TP và tầm nhìn năm 2020, đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của DN.

Theo tôi, hoạt động khoa học - công nghệ của TP phải đi vào các mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ mới hiện đại. Tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ phát huy năng lực sáng tạo. TPHCM muốn phát triển bền vững phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bằng việc đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao trong sản phẩm; xác định DN là trung tâm của hoạt động khoa học - công nghệ. Nhiều DN muốn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao nhưng không biết chính sách hỗ trợ của UBND TP, hoặc nếu có biết thì chính sách này chưa tạo động lực để đầu tư vào các ngành mũi nhọn và những sản phẩm khác biệt có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các ngành mũi nhọn còn rất hạn chế.

Đóng gói Vinacafe tại nhà máy cà phê Biên Hòa. Ảnh: Cao Thăng

Chính sách đòn bẩy

Để khoa học - công nghệ phát triển xứng tầm định hướng phát triển của TP, theo tôi cần kết hợp được 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nghiên cứu (các tổ chức nghiên cứu, viện, trung tâm…), bằng cách tập hợp những DN có uy tín, tiềm năng của từng ngành, đặc biệt là DN lớn thuộc 4 ngành mũi nhọn, từ đó lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu DN trong nhóm ngành liên quan, sau đó giao lại các nhà khoa học nghiên cứu các đề tài ứng dụng để hỗ trợ DN. UBND TPHCM cần có lãnh đạo chuyên trách vấn đề này, thường xuyên gặp gỡ DN và các nhà khoa học để trao đổi, xây dựng chế độ trách nhiệm, cơ chế động viên khen thưởng tương xứng sự đóng góp.

 

Hiện nay có nhiều DN tư nhân muốn phát triển thành tập đoàn để cạnh tranh với tập đoàn nước ngoài, do vậy đã đầu tư bộ phận nghiên cứu phát triển, đầu tư xây dựng thương hiệu Việt thành thương hiệu quốc tế, hệ thống phân phối, ứng dụng khoa học - công nghệ cao. TP nên có cơ chế để DN bày tỏ tâm nguyện của mình và có chính sách thực sự khuyến khích, tạo đòn bẩy để kích thích DN phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên sâu.

 

Để TPHCM phát triển xứng tầm vị trí của mình, cần thành lập các ban dự án chuyên sâu, nghiên cứu xu hướng khoa học - công nghệ thế giới ứng dụng vào 4 ngành mũi nhọn, thông qua việc thường xuyên tham dự hội chợ quốc tế, trao đổi với các chuyên gia đầu ngành hoặc các tổ chức tư vấn quốc tế để có giải pháp thích ứng. Không thể chậm chân hơn nữa, TPHCM cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tương ứng với sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ trên thế giới hiện nay nhằm đón đầu dòng đầu tư nước ngoài vào TP đối với các ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao…

Đối với DN quyết tâm đổi mới khoa học - công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và đồng bộ, đầu tư chuyên sâu cho bộ phận nghiên cứu phát triển, TP nên có chính sách hỗ trợ, như cho phép 2 năm chậm nộp thuế, hỗ trợ lãi suất vay dài hạn; đặc biệt hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia quốc tế đến đào tạo đội ngũ khoa học - công nghệ nhằm tạo ra giá trị gia tăng, có sản phẩm dẫn dắt thị trường. Ngành công nghiệp thời trang có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao cho TP và có tiềm năng phát triển lớn, đặc biệt là khi TPP được ký kết. Do vậy cần tạo động lực kết nối với các ngành thời trang quốc tế, đưa công nghệ thời trang thế giới vào ngành dệt may TP.

Chính sách hỗ trợ DN hiện nay đã góp phần giải quyết khó khăn của DN nhỏ và vừa nhưng chính sách vẫn chưa thật sự là đòn bẩy và là chất xúc tác cho những DN lớn, có tiềm năng đầu tư từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao. Do vậy, kiến nghị TP thường xuyên gặp gỡ những DN lớn, có uy tín trong ngành để lắng nghe tâm tư, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN TP trong bối cảnh hội nhập mở rộng. Đây sẽ là đòn bẩy để TP hình thành nhiều DN lớn thật sự, trở thành DN mũi nhọn đầu tư căn cơ vào sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách trong tương lai và tạo dựng nhiều sản phẩm chiến lược của TP có nền sản xuất phát triển nhất nước, như kỳ vọng của lãnh đạo TPHCM.

THÁI TUẤN CHÍ

Tin cùng chuyên mục