Một trong những chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) có sự lan tỏa nhanh nhất trong việc dẫn vốn từ ngân hàng tới DN, đó là Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM kết hợp Sở Công thương TP và UBND các quận, huyện triển khai dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM. Để chương trình thực hiện hiệu quả, bền vững và đi vào chiều sâu, nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2017, ngoài giải pháp vốn và lãi suất thì phía các DN cần củng cố quan hệ tín dụng giữa NH và khách hàng trên cơ sở mở rộng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng; các NH cũng cần tư vấn thêm cho DN các lĩnh vực sản xuất kinh doanh… nhằm tạo dựng mối quan hệ bền vững giữa NH-DN.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Phước Thanh: Lồng ghép nhiều chương trình với nhau
Chương trình Kết nối NH-DN đã lan tỏa khá rộng, không chỉ ở khu vực TPHCM, mà còn được nhân rộng trên cả nước, với tổng dư nợ giải ngân từ đầu chương trình đến nay đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng trên cả nước. Riêng tại địa bàn TPHCM, dư nợ giải ngân theo chương trình này chiếm từ 20% - 25% tổng dư nợ của các NH. Tuy nhiên, cái được hơn của chương trình này là NH và DN hiểu nhau hơn để tháo gỡ khó khăn trong cung - cầu vốn vay. Qua đó, NHNN thấy được những khó khăn để điều chỉnh và tháo gỡ cho cả hai phía. Trong năm 2017, trọng tâm của Chương trình Kết nối NH-DN tại TPHCM là tập trung vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, DN mới chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh thành DN và DN khởi nghiệp là phù hợp với điều kiện hiện tại nhưng cũng cần duy trì kết quả từ những lĩnh vực cũ để chương trình phát triển một cách toàn diện hơn vì Chương trình Kết nối NH-DN tại TPHCM là chương trình lồng ghép nhiều chương trình với nhau để một đối tượng có thể hưởng được nhiều kết nối. Để triển khai chương trình ngày một tốt và hiệu quả sâu hơn trong bối cảnh lòng tin giữa DN và NH ngày càng được củng cố, chính quyền địa phương, cụ thể là các quận, huyện cần thiết lập nền tảng pháp lý tốt hơn để tạo điều kiện cho DN-NH kết nối tốt hơn. Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn nói chung, ngành ngân hàng TP cần có thêm các chương trình tín dụng ưu đãi để đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho khách hàng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các chuỗi liên kết về thực phẩm an toàn
Một trong những hoạt động hỗ trợ DN rất thiết thực được Bộ Công thương triển khai liên tục trong các năm qua là chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa; triển khai các chương trình bình ổn thị trường tại các tỉnh, thành. Đồng hành cùng các chương trình này, Bộ Công thương đã nhận được sự phối hợp, hợp tác rất chặt chẽ, hiệu quả của ngành ngân hàng thông qua Chương trình Kết nối NH-DN mà đi đầu trong việc triển khai chương trình này là TPHCM. Trước đây, chương trình bình ổn thị trường phải dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách. Điều này vừa hạn chế về quy mô vốn hỗ trợ vừa khó triển khai rộng khắp cả nước, nhất là đối với các địa phương có nguồn thu thấp; đồng thời về dài hạn, chương trình không mang tính thị trường. Trong giai đoạn 2003-2010, hầu như chỉ có các TP lớn như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng triển khai chương trình bình ổn bằng nguồn vốn vay từ ngân sách tạm thời nhàn rỗi của địa phương, với quy mô từ 50 - 300 tỷ đồng/năm, tùy địa phương. Chính vì thế, lượng hàng bình ổn chỉ chiếm tỷ trọng thấp so với nhu cầu trên toàn thị trường. Tuy nhiên, trong 2 năm 2015-2016, TPHCM đã triển khai chương trình bình ổn thị trường hoàn toàn bằng nguồn kết nối giữa NH-DN với quy mô tăng vốn mạnh, đạt mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng/năm. Thông qua Chương trình Kết nối NH-DN, DN được tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường một cách hiệu quả. Việc hỗ trợ các DN triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, Chương trình Kết nối NH-DN cũng đã hỗ trợ cho ngành công thương trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua việc hỗ trợ các DN xuất khẩu tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thu mua, chế biến hàng xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương mong rằng Chương trình Kết nối NH-DN sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn với thêm nhiều chính sách ưu đãi cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ bình ổn thị trường. Ngoài ra, bộ cũng đề nghị các tổ chức tín dụng nghiên cứu, có cơ chế hỗ trợ cho việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ thực phẩm an toàn, vì đây là lĩnh vực kinh doanh đang có nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội tốt.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu: Cho vay theo hình thức chuỗi doanh nghiệp
Từ nay đến năm 2020, TPHCM đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu... Do đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, TPHCM sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển và đạt các mục tiêu đề ra; trong đó, giải pháp chủ yếu là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ phát triển DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ… Riêng Chương trình Kết nối NH-DN sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, dài hạn với nhiều giải pháp và cách làm năng động để ngày càng nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó, hướng triển khai của chương trình trong năm 2017 là tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền các quận, huyện; theo đó, các quận, huyện chủ động tổ chức Chương trình Kết nối NH-DN trên địa bàn; tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, DN chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh cá thể và DN khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, TP cũng đề nghị NHNN chi nhánh TPHCM và Sở Công thương đẩy mạnh công tác phối hợp với quận, huyện và các đầu mối. Trong đó, 24 quận, huyện tiếp tục thực hiện mô hình kết nối tại địa phương như đã làm trong năm 2016, đẩy mạnh nắm bắt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các DN, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, các NH thương mại có thể cho DN vay theo hình thức chuỗi DN có liên quan từ cung ứng nguyên liệu - sản xuất - tiêu thụ hàng hóa - quảng bá sản phẩm. Cách làm này sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP, giúp giảm thiểu rủi ro cho các NH và nâng cao vai trò gắn kết của chính quyền địa phương với các DN-NH.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Trần Việt Anh: Tạo sự công bằng về mặt tín dụng
Hiện DN trên địa bàn TPHCM với hơn 70% là DN vừa và nhỏ. Vì thế, nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh rất lớn. Trước đây, việc tìm vốn luôn là bài toán khó đối với các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính xảy ra từ năm 2008 - 2011, các DN đứng trước bờ vực phá sản, NH không còn tin tưởng DN. Nợ xấu ngành NH tăng cao. Do đó, dù muốn vay vốn lãi suất cao, các DN cũng rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, hiện tình hình đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Phía NH đã chủ động tìm đến DN để cung ứng vốn, nhất là từ khi Chương trình Kết nối NH-DN ra đời. Chương trình thực sự là cầu nối thiết thực hỗ trợ các DN trong việc tìm kiếm vốn sản xuất - kinh doanh. Đây là lần đầu tiên, việc vay vốn của DN có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chương trình này đã giúp cơ quan quản lý nắm bắt và hiểu rõ thực trạng hoạt động của DN tại địa phương, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh... từ đó có những chính sách hỗ trợ phù hợp hiệu quả cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Để Chương trình Kết nối NH- DN năm 2017 thực chất hơn, trong bối cảnh lãi suất không còn là áp lực đối với DN như trước đây, phía NH cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN về vốn, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó, NH cũng phải có sự đầu tư và tư vấn cho DN trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thông tin về khách hàng nước ngoài cho DN; đồng thời tạo ra sự công bằng về mặt tín dụng giữa DN lớn và DN nhỏ
Vi Quân (ghi)