Tạo nguồn nhân lực “đủ lực” cho sự nghiệp phát triển

Tạo nguồn nhân lực “đủ lực” cho sự nghiệp phát triển

Nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm.Phóng viên SGĐTTC lược ghi ý kiến của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về vấn đề này.

Nghiên cứu công nghệ Nano tại Đại học Quốc gia TPHCM

Nghiên cứu công nghệ Nano tại Đại học Quốc gia TPHCM

…Lợi thế về lao động trẻ, rẻ sẽ mất đi khi nền kinh tế phát triển và mức sống người dân tăng cao. Do đó việc đào tạo đội ngũ nhân lực có đủ khả năng cạnh tranh trong môi trường đầu tư toàn cầu là điều kiện mang tính tiên quyết giúp Việt Nam hội nhập nhanh chóng, thành công với thế giới.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo cũng đang đối mặt với những thách thức rất lớn và cần phải có những biện pháp khắc phục cấp bách. Chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung còn thấp. Đào tạo nghề chưa sát, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Các ngành sản xuất công nghệ tiên tiến, những ngành liên quan đến pháp luật quốc tế, quản trị doanh nghiệp, thương mại... đang thiếu hụt những người giỏi và rành nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, mới chỉ đạt dưới 30%. Chúng ta có thể hình dung một nguy cơ: có đến 70% thanh niên bước vào thị trường lao động mà không được đào tạo nghề một cách phù hợp.

Trước tình thế mới, ngành giáo dục phải nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hướng tới các chuẩn mực quốc tế, vừa phải tăng nhanh qui mô đào tạo nghề nghiệp cho toàn xã hội. Mục tiêu là đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 30% lên 50% trong vòng 3-5 năm tới.

Hiện nay, cơ sở đào tạo cả nước có 599 trung tâm dạy nghề, 600 trường dạy nghề chuyên nghiệp, 320 trường cao đẳng với qui mô tuyển sinh khoảng 330.000 học viên; sau đại học 15.000 người và dạy nghề 1,5 triệu người. Hiện có khoảng 300 ngành nghề được đào tạo.

Từ năm 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai kế hoạch triển khai xây dựng các ngành đào tạo và trường đại học theo chuẩn quốc tế. Có 9 trường đại học được lựa chọn liên kết với các trường của Hoa Kỳ, đào tạo cử nhân theo chương trình và công nghệ đào tạo của các đối tác này.

Thế nhưng yêu cầu hội nhập cấp bách không cho phép chúng ta chờ đợi. Trong điều kiện này, chúng ta phải chọn con đường ngắn nhất để đi đến mục đích. Để phát triển nhanh việc đào tạo nhân lực có kỹ năng, chúng tôi đang đề ra 4 giải pháp.

Đó là cần xác lập các yêu cầu mới về chuẩn tri thức; kỹ năng và hành vi của giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; phát triển nhanh đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục theo yêu cầu của thời kỳ sau 2010; triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội; đổi mới cơ chế tài chính.

Có rất nhiều việc phải triển khai: Đầu tiên là đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp giảng dạy cho gần 1 triệu giáo viên phổ thông và đào tạo 20.000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học và cao đẳng từ nay đến năm 2020 (có 10.000 sẽ được đào tạo tại nước ngoài). Kế đến là bồi dưỡng hiệu trưởng các trường phổ thông, đại học và cao đẳng; tăng lương cho giáo viên.

Năm 2008 sẽ xây dựng chợ lao động kỹ thuật; liên kết với các trường đại học nước ngoài tại Hoa Kỳ, Áo, Đức…để phát triển các ngành đào tạo có trình độ quốc tế; khuyến khích các trường đại học tư thục, dạy nghề tư thục, các trường đại học và dạy nghề từ nước ngoài…; thực hiện việc kiểm định chất lượng các đại học và công bố xếp hạng vào năm 2007.

Với nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào giáo dục đào tạo, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển nhanh việc đào tạo nhân lực có kỹ năng phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. 

GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tin cùng chuyên mục