Giao lưu trực tuyến “Tăng thị phần hàng Việt - Cách nào?”
Ngày 24-7, Báo SGGP tổ chức giao lưu trực tuyến, chủ đề “Tăng thị phần hàng Việt - Cách nào?”. Buổi giao lưu tập trung vào một số nội dung chính: Làm gì để tăng cường đưa hàng Việt có chất lượng vào các kênh phân phối, đặc biệt là tại các hệ thống siêu thị? hạn chế tối đa tình trạng đưa hàng dỏm, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; nhìn lại kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN) tại TPHCM; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cuộc vận động; kế hoạch hành động sắp tới của TPHCM nhằm thực hiện tốt hơn cuộc vận động…
Sau 2 giờ giao lưu, với hơn 30 câu hỏi của bạn đọc được gửi tới, trong đó có hơn 1/3 số câu hỏi đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến kết quả thực hiện CVĐ, đồng thời bày tỏ những lo lắng, quan ngại về chất lượng, chỗ đứng, sự phát triển của hàng Việt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Bạn đọc Đoàn Thị Lê, quận Gò Vấp, đặt vấn đề: “Tôi quan tâm đến CVĐ NVNƯTDHVN và nhận thấy chất lượng của hàng Việt không ổn định. Cũng sản phẩm đó, của cùng một doanh nghiệp (DN) sản xuất nhưng hồi mới tung ra thị trường thì chất lượng rất tốt, sau một thời gian thì không còn tốt như trước. Là nhà quản lý, ông (bà) có chia sẻ gì?”.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, rất chia sẻ với ý kiến của chị Đoàn Thị Lê về chất lượng hàng Việt hiện nay. Với góc độ của cơ quan quản lý, Sở Công thương nhận thấy CVĐ NVNƯTDHVN là một cơ hội tốt cho tất cả các DN trong nước phát triển sản xuất, kinh doanh. Tôi cũng đã nhìn thấy sự cầu thị của nhiều DN, thông qua việc đổi mới thiết bị máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân trong nước và hướng đến xuất khẩu. Với xu thế chung, để tồn tại và phát triển, các DN phải tự ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý thì mới tồn tại được. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số DN trong quá trình kinh doanh chưa tính chuyện đường dài, không đầu tư bài bản dẫn đến chất lượng hàng hóa không đồng nhất. Để cải thiện tình hình này, các sở, ngành chỉ đóng vai trò hỗ trợ DN, phần quan trọng là ý thức tự thân của mỗi DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bạn đọc nepmoi@gmail.com lo lắng khi cho rằng: “Đến nay chúng ta vẫn chưa có khái niệm chính xác về hàng Việt. Tôi cho rằng, nếu chúng ta cứ “cào bằng” hàng sản xuất trên đất nước Việt Nam đều là hàng Việt thì giữa hàng hóa của các DN FDI với hàng hóa 100% vốn DN trong nước đã và đang có những khoảng cách rất lớn. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ NVNƯTDHVN TPHCM, nhấn mạnh: Về thuật ngữ, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không phải là hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Chủ trương ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam không đồng nghĩa với sự phân biệt, đối xử với các sản phẩm hàng hóa từ nước ngoài. Các thành phần kinh tế hiện nay là bình đẳng, đều có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Giữa hàng hóa của các DN với hàng hóa 100% vốn DN trong nước có khoảng cách là một thực tế, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên vẫn là yếu tố tự thân của các DN trong nước. CVĐ được xem là cơ hội thuận lợi cho các DN sản xuất trong nước có điều kiện rà soát lại chính mình, để qua đó tự thân khắc phục vượt qua. Các giải pháp của Nhà nước chỉ là sự tác động tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách trong điều kiện cho phép để có thể hỗ trợ cho các DN phấn đấu vươn lên.
Mở rộng hệ thống phân phối
Bên cạnh chất lượng hàng hóa, việc tìm đầu ra cho hàng Việt trong bối cảnh hiện nay là một trong những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm. Bạn đọc Trần Bá Dũng, quận 8 đặt vấn đề: “Được biết, ngay từ khi ra đời siêu thị đầu tiên, Co.opmart đã xác định “siêu thị hàng Việt” và có sứ mệnh “thắp sáng hàng Việt”. Xin hỏi, Co.opmart đã và đang làm gì cho hàng Việt? Co.opmart có cơ chế gì để hỗ trợ cho DN đưa hàng vào siêu thị? CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả gì cho Saigon Co.op?
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Co.opmart đã xác định việc phát triển đồng hành cùng hàng Việt là sứ mệnh và cũng là thế mạnh riêng của mình trong bối cảnh lúc bấy giờ, bởi lẽ, khi nhắc đến các siêu thị cũng đồng nghĩa với “siêu giá”, với rất nhiều mặt hàng nhập khẩu. Do vậy, chỉ sau 1 năm thành lập, hệ thống siêu thị Co.opmart đã phối hợp tổ chức chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” với 28 nhà cung cấp tham gia và được người tiêu dùng ủng hộ.
Sau đó, chương trình được tiến hành đều đặn hàng năm, đến năm 2009, hưởng ứng CVĐ NVNƯTDHVN, chương trình mở rộng cho tất cả các DN hàng Việt tham gia với tên gọi “Tự hào hàng Việt” và hiện nay số lượng nhà cung cấp tham gia hàng năm đã lên đến con số 600, lượt khách hàng và doanh số của chương trình tăng từ 30% - 40%. Trong chính sách xét duyệt, trưng bày hàng hóa chúng tôi đều luôn ưu tiên cho các DN Việt. Đồng thời hàng năm, chúng tôi cũng thực hiện hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động, góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, anh chị em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN, bạn đọc Nguyễn Hữu Trí, quận Tân Bình, hỏi: “Trong định hướng phát triển hệ thống phân phối giai đoạn 2014 - 2020, TPHCM đã và sẽ thực hiện như thế nào để mở rộng đầu ra cho hàng Việt?
Bà Lê Ngọc Đào, Phó GĐ Sở Công thương TPHCM, cho biết: Để hỗ trợ cho hàng Việt phát triển, hiện TP đã ban hành QĐ 17 về định hướng phát triển hệ thống phân phối chợ siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đến giai đoạn 2020. Trong đó, TP sẽ tập trung nâng cấp sửa chữa các chợ truyền thống hiện hữu, đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi và TTTM trên địa bàn TP, đặc biệt khuyến khích hỗ trợ cho các DN phát triển hệ thống phân phối trong khu vực đông dân cư, các quận huyện ven ngoại thành, các KCX-KCN.
Tính đến nay, TP có 243 chợ truyền thống, 185 siêu thị, 723 cửa hàng tiện lợi, 30 TTTM lớn, bên cạnh đó còn có trên 3.000 điểm bán hàng bình ổn lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm thực hiện tốt nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời giúp DN có điều kiện đưa hàng vào hệ thống phân phối. Thông qua chương trình hợp tác thương mại, TP khuyến khích các DN phát triển hệ thống phân phối không những trên địa bàn TP mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước, nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng hiệu quả nhất. Cụ thể, Saigon Co.op đã phát triển hệ thống siêu thị tại 35 tỉnh, thành trên cả nước; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn phát triển trên 40 cửa hàng Satra food và hướng đến 100 cửa hàng từ nay đến 2015... Hiện các quận, huyện đang rà soát bổ sung quy hoạch đến năm 2020 để trình TP phê duyệt.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc tên Thảo (thaottp@artek.net) về vai trò của cơ quan chức năng và DN như thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả cao và thực sự có ý nghĩa?
Ở góc độ DN, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng, sau 5 năm thực hiện CVĐ NVNƯTDHVN đã đạt được những kết quả nhất định và thực chất CVĐ đang đi vào chiều sâu. Bản thân các DN đã kiện toàn được sản xuất của mình, tạo ra được sản phẩm đạt chuẩn mực, cải tiến được hình thức bên ngoài, tìm hiểu được nhu cầu người tiêu dùng và từng bước nâng cao sức cạnh tranh của mình, tạo được niềm tin cổ vũ lớn cho tự hào hàng Việt. Về phía quản lý Nhà nước cũng có nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ cho truyền thông và xúc tiến thương mại, giúp DN thông tin sản phẩm đến với cộng đồng xã hội. “Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng chính là người tiêu dùng hiện đã biết chọn lựa các sản phẩm chính thống. Chính nhận thức này góp phần rất lớn đưa sản phẩm Việt đến người tiêu dùng Việt” - ông Mười nhận định.
| |
THÚY HẢI - HẠNH NHUNG
| |
|