Trong các ngày thảo luận các văn kiện tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (ở tổ và cả ở hội trường), vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020 đã trở thành một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm. Đây được xem là một trong những vấn đề cốt yếu trong quá trình phát triển của đất nước, bởi nước ta hiện có khoảng 2/3 dân số là nông dân, làm ăn từ các ngành nông nghiệp.
Quy hoạch lại các vùng sản xuất
Nhiều ý kiến tại đại hội đều cho rằng, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH không phải vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo được sự biến đổi về chất lượng, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động. Đặc biệt, nông dân phải thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới, đồng nghĩa với việc phát triển nông thôn, nông nghiệp đất nước, ngày một nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho tầng lớp nông dân trong quá trình CNH-HĐH đất nước.
Muốn làm được điều đó, theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trước hết phải tập trung công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, tiến tới phân công lao động “ai giỏi nghề gì, việc gì thì làm nghề đó, việc đó” đối với nông dân ngay tại bản, làng, thôn, xóm nơi sinh sống. “Nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống nông dân thì nông dân không thể nào phát huy được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ, giải pháp này cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành các hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia trại, trang trại chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp. Sản xuất có kiến thức, có khoa học kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, hướng mạnh vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu” – đồng chí Nguyễn Quốc Cường phân tích.
Tăng vai trò người nông dân
Quá trình tham gia hội nhập kinh tế thế giới, xét ở khía cạnh lao động và nông nghiệp, sức mạnh của người dân nông thôn Việt Nam có thể là một hiện tượng nổi bật. Mặc dù đóng góp của nông nghiệp trong GDP của đất nước chỉ dao động ở mức 20% và đóng góp cho xuất khẩu khoảng 23%, nhưng hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp thể hiện bằng chỉ số hiệu quả đồng vốn cao hơn hẳn so với các ngành khác và xuất khẩu nông sản là một trong rất ít ngành kinh tế xuất siêu trong thương mại. Việt Nam hiện đang dẫn đầu về xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều; gạo, cà phê đứng thứ 2; cao su đứng thứ 3 trên thế giới... Rõ ràng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam do nông dân làm ra đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế.
Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam. Đó là chưa kể những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất. Chính vì thế, theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường: “Nông dân Việt Nam hiện nay đã tự nhận thức được rằng, cách duy nhất để đứng vững trong cơ chế thị trường và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước là phải thực hiện thắng lợi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”. Theo ông, nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ hội đủ 3 yếu tố sau: Trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.
“Thời gian qua chúng tôi đã vận động người dân đóng góp diện tích ruộng, vườn, phá vỡ hàng rào để làm kênh mương, đường nội đồng, đường thôn xóm to hơn, để xe cứu hỏa, xe cứu thương có thể vào được, đó là một nét văn minh đã làm được. Người dân tham gia vào xã hội hóa làm nước sạch, góp tiền với nhau, rồi có thể có một chủ doanh nghiệp đứng ra làm nước sạch. Nhờ xã hội hóa huy động sức dân mà bộ mặt nông thôn dần đổi mới. Đây là việc làm dài hơi, có thể phải vài chục năm nữa mới xong, nhưng chúng ta phải làm ngay và làm từ thấp đến cao” - đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cho biết. |
Nhóm PV