Ngày 28-2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016. Theo ban tổ chức, 10 tiêu chí đánh giá gồm: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu, và thời điểm ban hành/có hiệu lực. Đã có 30 quy định được đề cử tốt và 30 quy định được đề cử kém.
Trong danh mục 30 quy định được cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia đề cử tốt, có những nội dung như: bãi bỏ tội kinh doanh trái phép; danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ quy định trần 15% quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ… Còn trong số 30 quy định đề cử kém, đáng chú ý có nhiều quy định bấy lâu nay gây bức xúc với người dân, doanh nghiệp như: quy định về hạn chế đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in; ghi mã ngành cấp 4 khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; “giấy vàng - giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014; yêu cầu về phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên; doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; không được đặt tên doanh nghiệp trùng với tên doanh nhân; thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm…
Điểm nhấn của đề cử những quy định kém là yêu cầu trang bị phòng cháy và chữa cháy trên ô tô. Sự bất hợp lý thể hiện qua việc ô tô không có thiết kế cho lắp đặt bình cứu hỏa trên xe, có thể gây ra nhiều nguy cơ về cháy nổ (bình có thể phát nổ khi ở nhiệt độ cao và điều này hoàn toàn có thể xảy ra trên đường vào mùa hè, nhiệt độ trên 40 độ C) hoặc không có khả năng ứng cứu đối với các trường hợp cháy phương tiện. Trong khi hiệu quả còn là vấn đề đáng bàn thì chi phí tuân thủ của quy định này là rất lớn nếu như 3,5 triệu ô tô phải trang bị bình chữa cháy có thời hạn sử dụng 5 năm. Hay như quy định doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo ban tổ chức, yêu cầu này là chưa phù hợp với vai trò, tính chất của công đoàn. Việc đóng 2% phí công đoàn trên tổng quỹ lương là cao, nhất là với những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh mức lương tối thiểu tăng nhanh, các khoản đóng bảo hiểm xã hội và các chi phí khác ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Những phản hồi của các bộ, ngành về cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 cho thấy, sự đồng thuận trong việc nhìn nhận các quy định kém là không dễ vì cơ quan quản lý và người chịu tác động có góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, sự thiếu hợp lý của các quy định kém thể hiện ở việc các yêu cầu này mang tính rào cản, bao biện, làm thay, theo cách nghĩ hộ, làm hộ doanh nghiệp, vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nếu để hướng tới mục tiêu là Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ, lấy khách hàng, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu thì phải lắng nghe, xem đối tượng chịu ảnh hưởng đánh giá ra sao về chất lượng phục vụ.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, sau một thời gian ban hành chính sách, các cơ quan nhà nước sẽ phải tổng kết, rà soát, đánh giá lại tính khả thi, tác động của văn bản đó tới xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, những đánh giá đó vẫn mang tính một chiều, chủ yếu thể hiện tiếng nói của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thiếu đi sự đánh giá từ đối tượng trực tiếp chịu sự tác động là chưa đủ. Bởi nếu chỉ cơ quan nhà nước đánh giá chính sách, thì có thể chỉ nhìn thấy đánh giá là tốt, nhưng thực tế cuộc sống hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, tiếng nói từ đối tượng chịu tác động là yêu cầu bắt buộc phải có, nhưng từ trước đến nay, tiếng nói phản hồi từ cuộc sống với chính sách còn hạn chế và thiếu tính toàn diện. Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt, kém sẽ góp phần cổ vũ những quy định tốt, đồng thời tạo sức ép sửa đổi những quy định bất hợp lý, cũng như “phanh” lại những chính sách không phù hợp, có thể có trong tương lai.
NGỌC QUANG