Có phải người dân “chê”, không tín nhiệm các trạm y tế (sau đây gọi tắt là trạm) xã, phường hay không? Có 2 câu trả lời hoàn toàn trái ngược nhau: “Đúng” và “Không đúng”! Thực tế cho thấy, có những trạm với trang thiết bị khá đầy đủ, được khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn vắng khách. Ngược lại, có những trạm dù trang thiết bị còn sơ sài hoặc phải khám thu phí dịch vụ (vì chưa được thực hiện khám chữa bệnh theo diện BHYT) nhưng vẫn có khá đông bệnh nhân tìm đến. Điều gì đã tạo ra sức hút? Và ngành y tế thành phố đã, đang và sẽ làm gì để có thể “phủ sóng” sức hút đó cho toàn bộ các trạm y tế xã, phường?
Điểm qua một số trạm “đắt hàng”!
Là nơi xa nhất của huyện Hóc Môn, người dân xã Nhị Bình mỗi khi có bệnh thì sẽ càng thêm vất vả với đoạn đường 12km để đến bệnh viện huyện. Xã Xuân Thới Thượng thì dù đỡ hơn một chút với khoảng cách 5km nhưng người dân vẫn rất ngán ngẩm khi phải đi khám ở huyện. Bởi lẽ, ngoài việc tốn tiền xăng, tiền xe thì còn tốn cả thời gian khám bệnh - nhanh nhất cũng phải một buổi, thậm chí một ngày - vì bệnh viện huyện luôn trong tình trạng quá tải. Cho nên, khi các trạm được phép khám BHYT trở lại vào tháng 6-2013, người dân địa phương rất mừng.
Sáng 14-8, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảo - Nguyễn Thị Bẹ (ngụ ấp 4, xã Nhị Bình, mua BHYT diện tự nguyện) chở nhau ra trạm khám bệnh. Chồng thì nhức đầu, sổ mũi; vợ bị tăng huyết áp, nhức mỏi tay chân. Ông Bảo cho biết, trong gần 1 năm trạm không được khám BHYT (từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013), người dân rất bức xúc. “Tui mua BHYT mà giống như không mua. Ở cái tuổi xế chiều này, cứ năm bữa nửa tháng thì lại cảm cúm, đau nhức. Chẳng lẽ vì mấy cái bệnh vặt vãnh đó mà phải chạy lên huyện chầu chực từ 4, 5 giờ sáng, thôi thì ra quách nhà thuốc tây mua thuốc cho xong. Giờ trạm được khám BHYT trở lại, người dân xã tui đỡ lắm”.
Tương tự, tại xã Xuân Thới Thượng, tỷ lệ người dân mua BHYT ngày càng tăng (hiện đạt hơn 85%) và đa số đều chọn trạm y tế xã để khám và điều trị những bệnh đơn giản, thông thường.
Nếu cho rằng trạm xã được dân tìm đến chỉ vì lợi thế “cự ly” thì không đúng. Tại một số quận, thậm chí là quận trung tâm, có những trạm y tế phường đã là địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Trạm y tế phường 8 quận Gò Vấp là một ví dụ điển hình. Với một cơ ngơi khang trang và nhân lực, trang thiết bị thuộc diện “có hạng” đối với cấp phường - xã (1 bác sĩ chuyên khoa 1, 1 bác sĩ răng hàm mặt; máy X quang, siêu âm, đo điện tim, đo đường huyết, xét nghiệm sinh hóa 12 thông số…), nơi đây tiếp nhận và điều trị bình quân hơn 20 ca/ngày. Trạm chưa thực hiện khám theo BHYT, thế nhưng nhiều người dân dù có thẻ BHYT tại BV Gò Vấp, BV 175 vẫn tìm đến trạm để chữa những bệnh thông thường, chấp nhận thanh toán tiền khám và mua thuốc theo giá dịch vụ. Hoặc như trạm y tế phường 10 quận 10, dù nằm cạnh các “đại gia” như BV 115, Nhi đồng 1, Vạn Hạnh, nơi đây vẫn có những thân chủ ruột, từ trẻ em cho đến người già.
Điều gì đã tạo ra “lực hút”?
Thật ra, yếu tố gần nhà, thuận tiện đi lại chỉ là điểm phụ, thứ yếu. “Thích khám ở trạm vì bác sĩ khám kỹ, tư vấn kỹ”, đó là câu trả lời của mọi người khi được hỏi vì sao đã chọn y tế cơ sở. Quả thật, liên quan đến sức khỏe thì điều quan trọng nhất đối với người dân vẫn là chất lượng điều trị.
Tại trạm phường 8 quận Gò Vấp, chiều 9-8, anh Lê Văn Lộc (31 tuổi, ngụ tại đường số 21) đến khám bệnh vì bị sốt cao và ho. Anh cho biết cả gia đình đều mua BHYT diện tự nguyện tại BV Gò Vấp nhưng chỉ là để phòng khi bị bệnh nặng, còn với những bệnh thông thường thì cả nhà đều ra trạm khám: “Trạm có trang thiết bị đầy đủ, cần xét nghiệm thì làm ngay tại chỗ, rất nhanh chứ không phải chờ đợi lâu như ở bệnh viện. Chúng tôi không đến phòng mạch tư vì đâu có máy móc bằng ở trạm, giá khám và tiền thuốc thì cao. Điều hay nhất là bác sĩ Phong ở đây rất mát tay, hỏi kỹ tình trạng bệnh, ngoài cho toa còn tư vấn cách phòng ngừa. Nói chung là con nít, người già đều “mê” bác sĩ Phong. Nếu trạm có khám BHYT thì gia đình tôi sẽ đăng ký khám ban đầu tại đây”.
Tương tự, tại trạm phường 10 quận 10, cụ bà Phan Thị Y (80 tuổi, ngụ khu phố 1), Nguyễn Thị Duyên (76 tuổi, ngụ khu phố 2) v.v… mua BHYT tại BV quận 10 nhưng chỉ thích đến trạm vì “ưng” được bác sĩ Ngọc Bích (trưởng trạm) khám. Hoặc như trường hợp cụ Nguyễn Thị Đây (80 tuổi, ngụ khu phố 2), kinh tế gia đình khá giả, con cái muốn đưa đi khám ở bệnh viện tư nhưng cụ nhất quyết đòi ra phường vì “bác sĩ Bích khám kỹ, hỏi chuyện bao lâu cũng được, thắc mắc gì cũng được trả lời”.
Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa, Trưởng Trạm y tế xã Nhị Bình, Hóc Môn cho biết hiện trạm tiếp nhận điều trị từ 30 đến 40 ca/ngày. Đánh giá vì sao người dân thích khám bệnh tại trạm, ông cho rằng người bệnh thích được hỏi han, tư vấn, hướng dẫn “mọi lúc, mọi nơi” và điều này thì y tế phường - xã đáp ứng được. “Ngoài lĩnh vực y tế, chúng tôi còn có mối quan hệ xã hội với người dân, nắm rõ tiền sử bệnh, gia cảnh của họ nên dễ trò chuyện, tư vấn sát sườn. Ví dụ, mới đây có một ca bị tăng huyết áp đến mức nguy hiểm, khi đến khám, tôi biết gia đình này đang có đám tang, họ thức mấy đêm liền nên dẫn đến tình trạng trên. Cho nên ngoài kê đơn thuốc, tôi còn tư vấn cho người bệnh việc nghỉ ngơi, phòng bệnh, dặn dò con cái họ cách chăm sóc”.
Còn theo bác sĩ Phạm Văn Bài, Trưởng Trạm y tế xã Xuân Thới Thượng, nhờ việc khám kỹ, tư vấn tận tình nên người dân có lòng tin với trạm y tế xã và khi một người tin thì cả nhà, cả xóm ấp cũng sẽ tin theo.
Từ thực tế một số trạm, có thể thấy người dân không “chê” y tế phường - xã, nếu như nơi đây có bác sĩ tốt, tận tình và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu như có máy móc, thiết bị đầy đủ (như phường 8 quận Gò Vấp), được khám BHYT với danh mục thuốc phong phú, số lượng nhiều. Câu chuyện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được thành phố chú trọng từ nhiều năm qua, đến nay đã có 238/322 trạm đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế (gần 74%).
Trong tình trạng khó khăn về nguồn vốn, ngành y tế sẽ tập trung đầu tư cho những trạm hoạt động có hiệu quả để tăng thêm “lực hút” cho y tế cơ sở.
PHONG LAN