Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, phóng viên Báo SGGP có dịp tháp tùng các đoàn công tác của UBND TPHCM, HĐND TP; các sở, ngành chức năng đến thị sát hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc chuẩn bị hàng tết tại các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT). Điều khiến chúng tôi vui là tại hầu hết DN, HTX đều có ý thức rất cao trong việc gieo trồng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quan trọng. Và ở đó họ còn biết kiên quyết “nói không” với cách làm ăn dối trá, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, uy tín DN.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Văn Thích, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An, cho biết xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh là xã nông nghiệp, được TP công nhận diện tích 145ha đất đủ điều kiện trồng rau an toàn các loại. Bà con nông dân sản xuất bình quân 7 vụ rau/năm, mỗi ngày cung cấp gần 8 tấn rau các loại cho TP. Tuy nhiên, chất lượng rau không đảm bảo nên giá cả bị thương lái chèn ép. Trước tình hình này, UBND xã Tân Quý Tây gấp rút chỉ đạo việc thành lập HTX rau an toàn để giải quyết bài toán giảm nghèo cho nông dân vì thời gian thu hoạch nhanh, khoảng 1 tháng là có tiền. Nhưng để thực hiện được mong muốn này, cách duy nhất là phải tổ chức lại sản xuất; có nhật ký đồng ruộng, xuống giống theo thời điểm; đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt cây rau; có sự giám sát hàng ngày về sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, vô cơ hợp lý và thu hoạch đúng lứa; đổi lại HTX thu mua sản phẩm theo giá thị trường và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của những ngày đầu, sau 10 năm thành lập, thương hiệu HTX Phước An nay đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Phước An trở thành đối tác tin cậy, cung ứng các loại rau củ quả cho các hệ thống siêu thị hàng đầu tại TPHCM. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con nông dân ngày càng nâng cao, đường sá được nâng cấp mở rộng để thuận tiện cho việc vận chuyển rau.
Theo ông Thích, sản lượng rau thu vào hàng ngày mới chỉ dừng ở mức 6 tấn, sau khi sơ chế còn lại khoảng 5 tấn nhưng HTX vẫn chưa có ý định mở rộng gieo trồng trên diện tích lớn, vì nếu không kiểm soát tốt, chắc chắn thương hiệu rau Phước An sẽ bị ảnh hưởng. “Trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có một số xã viên thiếu kiên nhẫn do rau VietGAP rất khó cạnh tranh cả về hình thức lẫn giá bán. Nhưng HTX vẫn kiên định chủ trương kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo cây rau không còn tồn đọng bất kỳ chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Sau mỗi đợt thu hoạch, HTX đều cho kiểm định, phân tích, xét nghiệm… và nếu chưa đạt tiêu chuẩn an toàn thì tuyệt đối không phân phối ra thị trường”, ông Thích nói.
Tại HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc cũng đã hình thành được 5 vùng sản xuất trọng điểm tại Củ Chi, Bình Chánh (TPHCM), Lâm Đồng, Tiền Giang và Long An. Tính đến giữa năm 2016, tổng diện tích sản xuất của HTX được chứng nhận VietGAP là 68ha, gồm 146 hộ sản xuất (5 tổ) và trên 30 hộ được chứng nhận cá thể. Cũng như HTX Phước An, Phú Lộc cũng trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, nhất là phải thống nhất cho được quan điểm sản xuất rau sạch trong các tổ hợp tác mới có thể cùng nhau đi đến ngày nay. Ông Trần Quang Chánh, Chủ tịch HĐQT HTX Phú Lộc cho biết, nhờ sự nỗ lực không ngừng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay HTX đã đi vào ổn định, khẳng định hiệu quả và củng cố niềm tin cho các thành viên về chỗ đứng của rau VietGAP.
Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ông Chánh cho hay, căn cứ theo đơn đặt hàng bình quân hàng tuần, hàng tháng rồi lên kế hoạch sản xuất cho từng tổ, theo từng chủng loại. Hàng tuần, các tổ trưởng tổng hợp diện tích sản xuất báo cáo lên ban quản lý HTX, đồng thời báo cáo sản lượng thu hoạch cho tuần tiếp theo, HTX tổng hợp lại diện tích sản xuất so với kế hoạch và tiếp tục điều chỉnh cho tuần kế tiếp. Hiện HTX Phú Lộc cũng đã xây dựng xong kế hoạch và trình các sở, ngành chức năng về định hướng, giải pháp xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với cánh đồng mẫu lớn, nâng cao năng lực quản trị của HTX, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Cùng với các HTX nông nghiệp chuyên sản xuất rau, nhiều DN đã thực sự trở thành những “cánh chim đầu đàn” của TP trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và chế biến nhờ có chiến lược đầu tư bài bản theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Trong đó có thể kể đến các đơn vị như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân (chuyên cung cấp trứng gia cầm); Vissan (thịt gia súc và thực phẩm chế biến); Phạm Tôn, San Hà (thịt gia cầm); Saigon Co.op tổ chức kết nối và đầu tư với các HTX, DN ở các tỉnh thành để có đủ nguồn hàng cung ứng cho Chương trình Bình ổn thị trường như HTX Anh Đào, Công ty Thảo Nguyên, DNTN Phong Thúy… Trong chiến lược phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổng công ty lớn của TP như Satra, Sargi, Thanh niên Xung phong… Theo nhận định của ông Trần Văn Thích, việc tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP nói thì dễ nhưng tổ chức thực hiện là điều rất khó. Nếu không có sự kiên định với chủ trương chỉ sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, quyết liệt từ chối các mô hình sản xuất không đảm bảo an toàn, chắc chắn sẽ không có một thương hiệu Phước An của ngày hôm nay.
Hải Hà