Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/giờ cho tàu khách và 120km/giờ cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM mất 75-80 phút thay vì 180-240 phút đi đường bộ.
Từng làm trong đường sắt lâu năm, chuyên gia Nguyễn Xuân Hòa nhận xét, đường sắt có ưu thế lớn trong vận tải hành khách và hàng hóa, giúp giảm chi phí logistics. Theo ông, nên ưu tiên đầu tư theo thứ tự sau: tuyến TPHCM - Cần Thơ, đoạn tuyến TPHCM - Nha Trang, đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc Hà Nội - Đà Nẵng.
Hiện nay, đường bộ từ TPHCM - Cần Thơ đang thiếu, thường xuyên ùn tắc giao thông. Giao thông thủy cơ bản chỉ là các sà lan kéo hàng với sức chở nhỏ, có tốc độ di chuyển rất chậm; tàu lớn không được khai thác nhiều do có nguy cơ gây sạt lở cho nhiều tuyến sông, kênh. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí logistics của nông sản khu vực ĐBSCL luôn ở mức cao. Chính vì vậy, đường sắt TPHCM - Cần Thơ cần phải thực hiện sớm để giảm chi phí vận chuyển logictics cho cả khu vực ĐBSCL, qua đó giúp giảm chi phí chung cho nông sản Việt.
Trước đó, tại một hội nghị về xúc tiến đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, đảm bảo an toàn giao thông, giảm tải cho các tuyến quốc lộ, rất phù hợp cho nhu cầu vận tải cả về hành khách lẫn hàng hóa của miền Tây Nam bộ. Do vậy, Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL rất mong muốn có tuyến đường này.
Theo tính toán ban đầu, chi phí xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ khoảng 10 tỷ USD, tương đương chi phí xây dựng các đoạn tuyến mà Bộ GTVT đề xuất. Chưa kể, cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương - nơi tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ đi qua - đều thống nhất dành quỹ đất lên tới vài trăm hécta để vừa làm ga vừa để khai thác quỹ đất, tạo vốn cho dự án.